Thị trường bán lẻ trong nước còn nhiều dư địa để khai thác
Nguồn: Bộ Công thương. Đồ họa: Phương Anh

2023, doanh thu bán lẻ vượt mục tiêu tăng trưởng

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, điểm sáng trong bức tranh kinh tế nước trong năm 2023 đó là hoạt động thương mại trong nước tiếp tục khai thác hiệu quả sức mua của thị trường, phục hồi tích cực, đạt mức tăng trưởng vượt trội so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6% so với năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8-9%).

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, trong những năm gần đây, nhận thức về thị trường trong nước của các doanh nghiệp (DN) và các nhà quản lý đã thay đổi cơ bản. Theo đó, thị trường nội địa, thương mại trong nước đã góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ và gắn liền với phát triển thương hiệu hàng Việt Nam.

Đồng thời, cùng với xuất khẩu và công nghiệp chế biến, chế tạo, thương mại nội địa đã tạo thành "chân kiềng" có tính bổ trợ vững chắc, bảo đảm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của cả nền kinh tế đất nước.

Nhờ đó, tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6% so với năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8-9%). Điều đáng nói là hệ thống phân phối trong nước đã tập trung rất lớn cho tiêu thụ hàng Việt, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, không chỉ góp phần kích thích sản xuất mà còn giúp mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa. Trên các kệ hàng siêu thị, cửa hàng tiện lợi, ở thành thị, nông thôn, vùng xa... hàng Việt luôn chiếm tỷ trọng 85-90%.

Đạt được kết quả nêu, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, công tác kết nối cung cầu được thực hiện tốt, giá cả tương đối ổn định, nguồn cung hàng hóa trong nước dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, giúp ổn định thị trường, các chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung được tổ chức đồng loạt ở các địa phương, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ.

Thị trường nội địa Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển và là mảnh đất “màu mỡ” cho các nhà bán lẻ. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người Việt Nam giai đoạn 2017 - 2022 đạt 8,5%, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á với tầng lớp trung lưu tăng nhanh. Trong khi đó, thị trường bán lẻ Việt Nam xếp thứ 9 trong 35 quốc gia về Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu năm 2021. Quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đã vượt con số 180 tỷ USD trong năm 2023 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả hơn nữa thị trường bán lẻ trong nước trong năm 2024, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần khắc phục một số hạn chế như: hạ tầng thương mại phát triển không đồng đều, đặc biệt tại các vùng khó khăn; loại hình thương mại truyền thống chưa được quan tâm đúng mức; chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước liên kết chưa chặt chẽ; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả… còn diễn biến phức tạp.

Đặt kỳ vọng vào thị trường bán lẻ năm 2024

Bước sang năm 2024, khu vực dịch vụ dự báo vẫn là điểm sáng. Một số ngành thương mại có thể duy trì đà tăng trưởng bởi các chính sách thương mại và thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã định hướng 3 trụ cột tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Trong đó, thị trường tiêu dùng nội địa đóng một vai trò rất quan trọng.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, bà Lê Việt Nga cho rằng, thị trường nội địa luôn là bệ đỡ cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong mọi tình huống. Do vậy, cần chú trọng phát triển thị trường này hơn nữa bằng những chương trình kích cầu một cách hiệu quả, thiết thực, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa phù hợp với nhu cầu của người dân.

Các chuyên gia cũng cho rằng, thị trường nội địa Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển và là mảnh đất “màu mỡ” cho các nhà bán lẻ khi thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao, tầng lớp trung lưu đang tăng rất nhanh, tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam cũng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực, trên 70%. Hiện nay, tại Việt Nam, trung bình cứ 100.000 dân thì cần có 1 đại siêu thị và 1 trung tâm thương mại, cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình, còn 1 nghìn dân cần 1 - 3 cửa hàng tiện lợi. Đây là những yếu tố tiềm năng và là điều kiện thuận lợi để các DN phân phối của Việt Nam có thể mở rộng thị phần và có rất nhiều cơ hội để phát triển.

Theo Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ, thị trường nội địa rất quan trọng với DN TP. Hồ Chí Minh, kể cả DN nội lẫn DN FDI, nên phải chăm chút, nuôi dưỡng và đẩy mạnh phát triển hơn nữa. PGS.TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, phải tạo ra đột phá, cú huých mạnh cho chương trình kích cầu tiêu dùng, tạo nên khí thế mới, niềm tin mới. Năm 2024 phải quan tâm đến thị trường trong nước như là một lực lượng để bảo đảm cho nền kinh tế có nền tảng phát triển vững chắc.

Phát triển các kênh bán hàng thương mại điện tử

Để phát triển mạnh thương mại nội địa, trong năm 2024, theo bà Lê Việt Nga, Bộ Công thương sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại tại các vùng khó khăn; phát triển thương mại điện tử để khai thác hiệu quả xu hướng số hóa nền kinh tế. Đặc biệt, bộ sẽ đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng...