Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng phòng Phân tích chiến lược, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam, xung quanh những diễn biến của thị trường chứng khoán thời gian gần đây.

PV: Thưa ông, thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước đã trải qua gần hết năm 2023, với nhiều biến động, đặc biệt là trong 2 tháng gần đây. Ông có thể đánh giá khái lược về diễn biến của TTCK Việt Nam từ đầu năm tới nay?

Thị trường chứng khoán đang được hỗ trợ trong trung và dài hạn, khi nền kinh tế đã tạo đáy trong quý I/2023 và xu hướng phục hồi được thể hiện rõ ràng thông qua các số liệu kinh tế...

Thị trường chứng khoán có duy trì được sự tích cực trong 2 tháng cuối năm?
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu: Diễn biến thị trường chứng khoán trong 10 tháng đầu năm 2023 chủ yếu là xu hướng tăng trưởng, xu hướng này đặc biệt rõ nét từ cuối tháng 4/2023, theo đó thị trường đã có sự phục hồi mạnh trong giai đoạn này khi sự phục hồi rõ nét của các yếu tố vĩ mô được phản ánh vào giá.

Từ tháng 9 đến nay là sự điều chỉnh với thanh khoản bị thiếu hụt do tâm lý thận trọng quay trở lại. Tuy nhiên, giai đoạn này nhà đầu tư đang phản ứng quá mức với một số thông tin xấu mà thiếu đi sự đánh giá tổng thể về xu hướng trung dài hạn của thị trường. Theo đó, thị trường vẫn đang được hỗ trợ từ sự phục hồi của nền kinh tế (đã tạo đáy từ quý I/2023).

PV: Thị trường chứng khoán nửa đầu tháng 11 đã có những phiên tăng điểm khá tích cực. Theo ông, những tháng cuối năm xu hướng tích cực của thị trường có được duy trì?

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu: Rất khó để đánh giá sự tích cực sẽ được duy trì trong 2 tháng còn lại của năm.

Thứ nhất, tâm lý của nhà đầu tư đang trở nên dễ “thay đổi” khi các phiên tăng giảm mạnh có sự đan xen với nhau. Vì thế chỉ cần một thông tin xấu xuất hiện thì nhà đầu tư cũng có thể phản ứng quá mức.

Thứ hai, hiện tại thị trường đang thiếu vắng những thông tin hỗ trợ trong ngắn hạn, nên giai đoạn này rất khó dự báo về xu hướng ngắn hạn.

Thị trường chứng khoán có duy trì được sự tích cực trong 2 tháng cuối năm?
Thị trường chứng khoán trung và dài hạn được hỗ trợ bởi các yếu tố cơ bản. Ảnh: T.L

Tuy nhiên, thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng trong trung và dài hạn khi được hỗ trợ bởi các yếu tố cơ bản. Đầu tiên, nền kinh tế đã tạo đáy trong quý I/2023 từ đây xu hướng phục hồi được thể hiện rõ ràng thông qua các số liệu kinh tế.

Bên cạnh đó, dòng vốn FDI đang quay trở lại. Cụ thể là tổng giá trị dự án FDI tăng đột biến trong tháng 10 vừa qua. Dòng vốn này sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn. Một ví dụ điển hình là việc Samsung đầu tư vào Việt Nam giai đoạn trước đây và đã giúp nền kinh tế có những sự phát triển đáng kể.

Cuối cùng, chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng sẽ hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế trong trung và dài hạn.

PV: Những yếu tố nào sẽ tác động tới diễn biến của thị trường trong những tháng cuối năm, thưa ông?

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu: Theo tôi, diễn biến của tỷ giá có xu hướng tăng từ tháng 4 cho đến nay. Việc tỷ giá tăng liên tục này hiện đã tạo ra áp lực không nhỏ lên chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và buộc NHNN phải có những động thái nhằm kìm hãm đà tăng này lại.

Điển hình là việc phát hành tín phiếu và dừng giảm lãi suất điều hành trong nửa cuối 2023. Nếu diễn biến tỷ giá trở nên bất lợi thì NHNN buộc phải thực hiện thêm các biện pháp khác để chặn đà tăng lại. Các biện pháp này có thể sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Áp lực từ thị trường trái phiếu có thể xuất hiện trở lại. Theo đó, giá trị đáo hạn trái phiếu vào tháng 12 có thể đạt đỉnh điểm và tạo ra rủi ro nhất định. Bên cạnh đó, việc xử lý các lô trái phiếu đã đáo hạn trong năm 2023 cũng là một vấn đề cần được lưu tâm ở giai đoạn này.

PV: Thị trường dự báo vẫn sẽ có sự phân hóa trong giai đoạn cuối năm. Theo ông, những nhóm ngành nào sẽ thu hút sự quan tâm của dòng tiền trong thời gian tới?

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu: Theo tôi bất động sản khu công nghiệp và cảng biển là những ngành có thể thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.

Với bất động sản khu công nghiệp câu chuyện sẽ nằm ở dòng vốn FDI. Dòng vốn này có xu hướng phục hồi từ đầu quý II/2023, hiện dòng vốn này vẫn đang tăng trưởng tốt, đặc biệt là sự gia tăng đột biến vốn FDI đăng ký trong tháng 10. Điều này cho thấy sự hấp dẫn của Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài. Khi dòng vốn này chảy vào thị trường thì nhóm các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi đầu tiên.

Với ngành cảng biển là câu chuyện liên quan đến nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang có dấu hiệu phục hồi. Qua đó, nhu cầu sản xuất đơn hàng xuất khẩu cũng sẽ có sự gia tăng tương ứng. Khi đó, việc sử dụng các dịch vụ logistics trong đó có cảng biển để xuất khẩu hàng hóa sẽ trở phục hồi.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thị trường diễn biến khá tích cực trong tuần qua (6 - 10/11), tính chung VN-Index tăng 2,3% so với cuối tuần trước đó. Đây là tuần tăng tốt nhất kể từ cuối tháng 8/2023. Nhìn trên đồ thị tuần, có thể xem tuần qua xác nhận thành công khu vực đáy trung hạn đã được hình thành tại 1.020 điểm, thanh khoản khá tốt với gần 4 tỷ cổ phiếu khớp trên sàn HOSE góp phần củng cố vùng đáy này.