Ổn định trong quý I, điều chỉnh giảm vào đầu quý II

Trong những tháng đầu năm 2022, kinh tế thế giới tiếp tục đà hồi phục khi dịch Covid-19 được kiểm soát, tuy nhiên, những tín hiệu về khả năng ngân hàng trung ương các nước áp dụng chính sách siết chặt tiền tệ nhằm đối phó với lạm phát và tình hình căng thẳng chính trị giữa Nga - Ukraine đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK).

Đối với trong nước, những tháng đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam có nhiều khởi sắc trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát, kinh tế thế giới duy trì đà hồi phục, các hoạt động sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh. Nhờ đó, TTCK Việt Nam trong quý I/2022 nhìn chung vẫn phát triển ổn định, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho Chính phủ và doanh nghiệp.

Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), chỉ số VN-Index tiếp tục xu hướng tăng điểm của năm 2021 trong đầu năm 2022, qua đó thiết lập đỉnh lịch sử mới ở mức 1.528,48 điểm vào ngày 7/1/2022. Tính đến cuối quý I/2022, chỉ số VN-Index cơ bản giữ nhịp ổn định, chỉ giảm nhẹ 0,4% so với cuối năm 2021. Tuy nhiên, xu hướng chốt lời cùng với tác động của một số thông tin bất lợi trên thị trường bất động sản, chứng khoán và tình hình căng thẳng chính trị trên thế giới khiến TTCK Việt Nam trải qua một số phiên điều chỉnh mạnh; tính đến ngày 19/4/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.406,45 điểm, giảm 6,1% so với cuối năm 2021.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá có nhiều cơ hội tăng trưởng bền vững trong trung, dài hạn. Ảnh: Duy Dũng
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá có nhiều cơ hội tăng trưởng bền vững trong trung, dài hạn. Ảnh: Duy Dũng

Quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch (ĐKGD) của thị trường đạt 1.797 nghìn tỷ đồng vào cuối tháng 3/2022, tăng 3,37% so với cuối 2021 (tương đương 21,4% GDP). Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu năm 2021 vẫn tiếp tục gia tăng trong những tháng đầu năm 2022, với mức bình quân đạt 30.845 tỷ đồng/phiên, tăng 15,9% so với bình quân năm trước. Về quy mô giao dịch TTCK Việt Nam hiện đã vượt qua Singapore, đứng thứ 2 trong ASEAN sau Thái Lan. Giá trị giao dịch bình quân đạt 30.845 tỷ đồng/phiên, tăng 15,9% so với bình quân năm trước. Tính chung quý I/2022, thị trường có 676.616 tài khoản nhà đầu tư mở mới toàn thị trường (gần bằng ½ số lượng tài khoản mở mới của năm 2021). Tổng số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán đã đạt hơn 4,98 triệu tài khoản, tăng 15,7% so với cuối năm 2021, xấp xỉ 5% dân số, vượt trước 3 năm so với mục tiêu đề ra.

“Quản chặt” sẽ tạo cơ hội để lành mạnh hóa thị trường

Những rủi ro của kinh tế và căng thẳng địa chính trị thế giới, điểm nhấn là FED tăng lãi suất, xung đột Nga - Ukraine đã tác động mạnh tới TTCK toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tâm lý thận trọng càng gia tăng kể từ cuối tháng 3 đến nay, khi các cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và các cá nhân liên quan vì tội thao túng TTCK, cũng như các sai phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, những sự việc mang tính đơn lẻ trên thị trường, ít nhiều đã có tác động tới tâm lý của nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư đang nắm giữ các cổ phiếu liên quan và cổ phiếu ngân hàng, bất động sản khi dòng vốn vào thị trường bất động sản bị “quản chặt”. Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia cũng cho rằng, các vụ việc trên chỉ ảnh hưởng tới thị trường trong ngắn hạn, còn về dài hạn đây là những động thái quyết liệt của Chính phủ, các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhằm lành mạnh hóa thị trường; vì thế, nhìn về dài hạn, đây là yếu tố tích cực, hỗ trợ thị trường phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường

Cùng với các giải pháp hiện tại, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thị trường, tăng cường công tác giám sát, rà soát, nhận diện các mã cổ phiếu có giao dịch bất thường; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, rà soát, phân loại, kiểm tra tại chỗ, xây dựng phương án đối với từng công ty để có biện pháp xử lý; phát triển và đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư nhằm cải thiện chất lượng cầu đầu tư, hướng tới cầu đầu tư bền vững.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, bà Tạ Thanh Bình – Vụ trưởng Vụ Phát triển TTCK, UBCKNN cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có 2 công điện, trong đó đã chỉ đạo nhiều biện pháp để bảo đảm TTCK, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn và phát triển bền vững. Về phía cơ quan quản lý, Bộ Tài chính cũng rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt UBCKNN và các đơn vị chức năng trong việc tăng cường sự phát triển ổn định, lành mạnh của TTCK. Thời gian qua, hàng loạt sai phạm cũng đã được các cơ quan quản lý xử lý nghiêm.

“Những chỉ đạo và hành động quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính, các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan quản lý, chúng tôi cho rằng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho TTCK phát triển lành mạnh, bền vững hơn trong tương lai. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Bộ Tài chính, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ thị trường phát triển, UBCKNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm; đồng thời, nâng cao chất lượng hàng hóa, chất lượng công bố thông tin trên TTCK” – bà Tạ Thanh Bình cho biết thêm.

Một số chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, các công điện của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ thông điệp: “Xử lý vụ việc đúng người, đúng tội, không tạo tình thế "tát nước theo mưa", gây tổn hại cho doanh nghiệp và làm bất ổn môi trường kinh doanh”. Như vậy, những chỉ đạo và động thái quyết liệt của Chính phủ, các cấp quản lý là nhằm bảo vệ doanh nghiệp và nhà đầu tư. Điều này là rất cần thiết để “gạn đục, khơi trong” làm gia tăng niềm tin, hỗ trợ TTCK phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững hơn trong tương lai.

Thông tin từ UBCKNN cho biết, nhằm đảm bảo TTCK tiếp tục phát triển ổn định, minh bạch, trong năm 2022, Bộ Tài chính chỉ đạo UBCKNN tích cực hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK, hoàn thiện xây dựng chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 để định hình mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển TTCK về dài hạn.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý sẽ triển khai các giải pháp để đảm bảo hệ thống giao dịch được thông suốt, hạn chế thấp nhất tình trạng nghẽn lệnh giao dịch; nghiên cứu khuôn khổ pháp lý cho phát triển các dịch vụ mới.

Các yếu tố nền tảng vẫn hỗ trợ thị trường chứng khoán tăng trưởng

Dù biên độ dao động và nhịp độ biến động có thể sẽ lớn hơn, song TTCK Việt Nam trong năm 2022 vẫn còn dư địa cho tăng trưởng do nhiều yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì.

Cụ thể, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm, nhưng đến thời điểm hiện tại đã được kiểm soát tốt hơn, các hoạt động kinh tế được khôi phục, tiêu dùng nội địa phục hồi, hoạt động du lịch quốc tế dần được mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy triển vọng phục hồi mạnh mẽ hơn của nền kinh tế... Bên cạnh đó, sức ép lên lạm phát là không thể chủ quan, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để kiểm soát trong mục tiêu đề ra. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã quán triệt nhiều chính sách sách tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Riêng với chính sách tài khóa, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ thông qua nhiều giải pháp về trong lĩnh vực thuế, hải quan,… để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đối với lĩnh vực chứng khoán, nhiều chính sách đã được Bộ Tài chính kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, thị trường và đã chứng minh được hiệu quả.

Về các yếu tố nội tại của TTCK, với triển vọng phục hồi kinh tế, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trên TTCK đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng cao trong năm 2022. Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam vẫn còn đó nhiều yếu tố hỗ trợ được cho là “đặc sản riêng có” so với nhiều thị trường khu vực, như: dòng tiền tham gia, kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi, công tác cổ phần hóa, thoái vốn được đẩy mạnh,...