Xung quanh các diễn biến của thị trường chứng khoán, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam.

PV: Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nửa đầu tháng 8 với diễn biến khá tích cực. Xin ông cho biết đánh giá của mình về thị trường trong giai đoạn này? Đâu là yếu tố đã hỗ trợ cho đà tăng tích cực của thị trường như vậy, thưa ông?

Thị trường chứng khoán: Giai đoạn giằng co, tích lũy, nên chọn ngành nào, mua mã gì?
Ông Trần Đức Anh

Ông Trần Đức Anh: TTCK Việt Nam trải qua nhịp phục hồi tương đối tích cực trong nửa đầu tháng 8, nối tiếp đà tăng từ cuối tháng 7. Động lực tăng của thị trường trong giai đoạn vừa qua đến từ cả các yếu tố trong nước cũng như ngoại biên.

Đối với các yếu tố bên ngoài, TTCK Mỹ, cũng như TTCK toàn cầu đã trải qua nhịp hồi phục tốt nhờ xu hướng lạm phát đang có hơi hướng hạ nhiệt và số liệu thực tế CPI Mỹ cũng cho thấy đà tăng đang chững lại trong tháng 7. Theo đó, thị trường đang kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ chậm lại tốc độ tăng lãi suất. Bên cạnh đó, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp Mỹ tốt hơn so với kỳ vọng cũng là yếu tố hỗ trợ đáng kể cho xu hướng phục hồi.

Đối với các yếu tố trong nước, số liệu vĩ mô quý II, xu hướng hạ nhiệt của giá hàng hoá cùng mùa báo cáo kết quả kinh doanh khởi sắc là những yếu tố nền tảng hỗ trợ thị trường. Ngoài ra, tâm lý nhà đầu tư cũng đã ổn định hơn sau giai đoạn chịu tác động tiêu cực bởi các thông tin liên quan đến việc Chính phủ xử lý sai phạm ở các doanh nghiệp hay quan chức nhà nước.

Giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư nên tích lũy cổ phiếu tốt cho giai đoạn tăng trưởng trong thời gian tới.
Giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư nên tích lũy cổ phiếu tốt cho giai đoạn tăng trưởng trong thời gian tới.

PV: Áp lực chốt lời sau chuỗi phiên tăng, kết hợp thị trường vào giai đoạn trũng thông tin, theo ông, thị trường liệu có duy trì được đà tăng trong giai đoạn cuối tháng và tiến tới ngưỡng 1.300 điểm?

Ông Trần Đức Anh: Trên thị trường đang rất phổ biến quan điểm sẽ xuất hiện 1 nhịp điều chỉnh đáng kể sau giai đoạn hồi phục mạnh của chỉ số VN-Index từ 1.150 đến gần 1.300 điểm ở thời điểm hiện tại. Quan điểm này là có thể hiểu được khi xét về mặt kỹ thuật, chỉ số đang đối diện với các ngưỡng cản mạnh, trong khi áp lực chốt lời cũng đang lớn dần và cần được giải toả sau giai đoạn tăng kéo dài.

Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, đà phục hồi vừa qua là phù hợp với các chuyển biến về mặt vĩ mô cũng như các điều kiện thị trường, tâm lý nhà đầu tư. Theo đó, nếu nhịp điều chỉnh xuất hiện cũng khó có thể là 1 nhịp điều chỉnh đáng kể, nhất là trong bối cảnh tâm lý thị trường chung đã và đang có sự chuẩn bị tốt, lực cầu chưa kịp giải ngân nhịp vừa qua vẫn đang chờ đợi ở vùng giá thấp. Ở chiều ngược lại, tôi thiên về kịch bản chỉ số VN-Index sẽ nối dài đà phục hồi và chinh phục ngưỡng 1.300 điểm vào cuối tháng, khi các điều kiện thị trường đang tiếp tục được cải thiện.

PV: Về dòng tiền, theo ông, thanh khoản có thể duy trì như mức hiện nay, hay có thể suy giảm hoặc tăng lên? Vì sao?

Ông Trần Đức Anh: Thanh khoản thị trường đã hồi phục tương đối tốt, song song với đà hồi phục của chỉ số VN-Index khi tâm lý nhà đầu tư đã hào hứng trở lại.

Tôi cho rằng, mức thanh khoản này đã là hợp lý và nếu tăng cũng khó có sự bứt phá để quay trở lại mức nền đã được chứng kiến giai đoạn đầu năm. Nguyên nhân do 1 phần dòng tiền đã bị rút ra và khó có thể quay trở lại khi mặt bằng lãi suất tăng, nền kinh tế vận hành trở lại sau giai đoạn dịch Covid-19, đồng thời nhóm cổ phiếu đầu cơ, vốn có vòng quay tiền lớn, cũng đã trở nên kém hấp dẫn. Tuy nhiên, việc giao dịch chuyển từ T+3 sang T+2 có thể là một yếu tố tạo đột biến về thanh khoản nếu sớm được đưa vào áp dụng theo đúng lộ trình.

Thông tin nhà đầu tư cần quan sát, theo dõi trong giai đoạn hiện nay

Giai đoạn hiện tại các thông tin trong nước là tương đối trầm lắng, ngoại trừ số liệu vĩ mô tháng 8. Trong nước, một số thông tin đang được chờ đợi như: động thái nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước vào cuối quý III, đầu quý IV, Nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp; biến động một số loại hàng hóa và tác động lên lạm phát;…

Đối với thông tin quốc tế, trọng tâm vẫn là tình hình lạm phát, biến động giá các loại hàng hóa, sức khoẻ nền kinh tế Mỹ và châu Âu cùng rủi ro suy thoái, tình hình Covid-19 tại Trung Quốc.

PV: Một số ý kiến cho rằng, thị trường đang tạo điều kiện cho nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn khi dòng tiền có sự luân chuyển tích cực giữa các nhóm ngành. Quan điểm của ông về ý kiến này thế nào? Đâu là các nhóm ngành có thể đem lại cơ hội đầu tư cho giai đoạn này, thưa ông?

Ông Trần Đức Anh: Dòng tiền trên thị trường đúng là đang có xu hướng xoay vòng nhanh, luân phiên nâng đỡ các nhóm ngành tăng điểm để giữ nhịp cho chỉ số. Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc cố gắng theo dấu dòng tiền để mua đuổi, hay đón đầu, thường lợi bất cập hại với số đông nhà đầu tư khi mà nó khiến nhà đầu tư không duy trì được tính ổn định, tâm lý dễ bị dao động, phát sinh chi phí giao dịch lớn, trong khi xu hướng dòng tiền có thể thay đổi rất nhanh và có tính ngẫu nhiên khiến hiệu quả đầu tư không cao.

Một chiến lược mua và nắm giữ trung hạn ở các nhóm cổ phiếu nền tảng tốt, kỳ vọng có câu chuyện riêng như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp, công nghệ thông tin… và chờ đợi dòng tiền tìm đến sẽ là một chiến lược tốn ít chi phí và hiệu quả hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!