CkThanh khoản giảm mạnh

Điều thường thấy trong các phiên phục hồi kỹ thuật sau chuỗi ngày giảm sốc là thanh khoản nhỏ. Có lý do để nhà đầu tư thận trọng tối đa trong bối cảnh như vậy.

Phiên này tổng mức giao dịch hai sàn chỉ hơn 19.700 tỷ đồng bao gồm cả thỏa thuận. So với phiên đầu tuần thì giá trị này thấp hơn 35%. So với phiên T+3, mức giao dịch giảm 57%.

Hôm nay là phiên T+3 của khối lượng chuyển nhượng hôm 20/8 về tài khoản. Đó là phiên thị trường đột ngột giảm cực sốc và nhà đầu tư không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Giá giảm sâu kích thích lực cầu bắt đáy, tạo nên phiên thanh khoản kỷ lục tới trên 45,4 ngàn tỷ tổng giá trị hai sàn và khớp lệnh gần 43,2 ngàn tỷ.

So với mức giao dịch 19,7 ngàn tỷ đồng hôm nay, không khó để thấy hàng chục ngàn tỷ giá trị cổ phiếu đã được giữ lại. Trong ngắn hạn thì tiền chỉ chạy từ túi này sang túi khác, nên rõ ràng có một lượng lớn nhà đầu tư đang phải ôm cổ phiếu lỗ.

Do đó nhà đầu tư muốn mua vào có lý do để thận trọng. Nếu giá giảm do bị bán tháo tiếp, lực cầu bắt đáy có thể xuất hiện vì mức chiết khấu tăng thêm, cũng như các nhà đầu cơ ngắn hạn đang tháo chạy. Tuy nhiên nếu giá tăng, đó sẽ là bài toán khó vì mua vào không khác gì hỗ trợ các nhà đầu tư đang thua lỗ.

Mức giao dịch giảm mạnh hôm nay phản ánh quan điểm ngắn hạn rất rõ. Cổ phiếu tăng giá khá nhiều, nhưng không mã nào đạt được thanh khoản như bình thường. Chẳng hạn HPG, cổ phiếu siêu thanh khoản, hôm nay giá tăng 1,36% nhưng khối lượng giao dịch chỉ bằng 60% bình quân 20 phiên gần nhất. SSI đại diện nhóm cổ phiếu chứng khoán, giá tăng 1,31%, thanh khoản chỉ bằng 67% bình quân. Nhóm ngân hàng hầu hết cũng thấp hơn.

Việc thanh khoản cao hay thấp không ảnh hưởng nhiều đến giá cổ phiếu vì cung cầu mới là yếu tố quyết định. Nếu thanh khoản thấp do nhà đầu tư không muốn bán thì giá rất dễ tăng. Hôm nay là một phiên như vậy. Sàn HoSE đến cuối phiên cứ 1 mã giảm giá có 1,7 mã tăng giá.

Cơ hội phục hồi kỹ thuật

Phiên giảm nhẹ hôm qua thị trường đã phát tín hiệu về cơ hội phục hồi. Đến hôm nay số lớn cổ phiếu quay đầu tăng, tín hiệu càng rõ hơn. Điểm chốt chính là thanh khoản cũng sụt giảm theo.

Sau những phiên giảm cực mạnh thì thị trường cần nhà đầu tư bình tĩnh trở lại và không còn bán tháo bằng mọi giá nữa. Vì vậy hôm nay có thể coi là phiên xác nhận sự thay đổi trong tâm lý đã xảy ra. Cổ phiếu tuy lỗ, nhưng về đến tài khoản vẫn được nắm giữ.

Mức giảm hôm qua cũng đẩy VN-Index rơi xuống ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật và cơ hội phục hồi dễ xảy ra. Điều quan trọng hơn là cơ hội phục hồi này mạnh hay yếu.

Do nhà đầu tư cầm cổ đang giữ hàng lại với quy mô lớn nên điều này phụ thuộc vào hành động của các nhà đầu tư ôm hàng, hơn là phía nhà đầu tư cầm tiền. Thị trường sụt giảm sau một chuỗi phiên giao dịch lớn nên khả năng chịu lỗ là điều tiên quyết. Cũng giống như rất nhiều lần rời đỉnh khác, luôn có sự ngập ngừng trước khi thị trường rơi tiếp.

Lấy ví dụ nhịp giảm đầu tháng 7, sau phiên sụt giảm 56 điểm ngày 6/7, không ít nhà đầu tư cho rằng thị trường đã điều chỉnh xong và nhảy vào bắt đáy. Quả thực thị trường đã chững lại 2 phiên sau đó, thậm chí có 1 ngày tăng mạnh gần 34 điểm. Tuy nhiên phần kế tiếp chính là đoạn mà ít nhà đầu tư nghĩ tới khi thị trường vừa rời đỉnh.

Lúc này nhà đầu tư sẽ phải đánh giá đây là những phiên hồi kỹ thuật hay thị trường đã thật sự tạo đáy. Trong các phiên tới thanh khoản duy trì thấp nghĩa là nhà đầu tư đang thận trọng hơn, thay vì đổ xô vào mua. Không phải nhịp tăng nào cũng là cơ hội để mua bán vì đầu tư khác với cờ bạc ở chỗ có khả năng đánh giá rủi ro.

chứng khoán 25-8

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

15.180 tỷ đồng (-28%)

481,8 triệu (-26%)

2.277 tỷ đồng (-45%)

100 triệu (-38%)

Khánh Nhi