Dầu ăn tăng giá 50% so với đầu năm, giá gas giảm

Trước áp lực của việc điều chỉnh tăng giá xăng liên tiếp trong thời gian qua, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng đã và đang thích ứng với áp lực này. Người dân cơ cấu lại danh mục chi tiêu, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng kìm giá, thậm chí giảm giá khích thích tiêu dùng của khách hàng.

Về cơ bản, các mặt hàng thiết yếu như rau, quả tại các thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh không có biến động tăng giá theo giá xăng. Mặt hàng thịt lợn tăng, giảm trái chiều và ổn định như các tuần trước.

Cụ thể, giá lợn hơi đi ngang tại khu vực miền Bắc, đồng loạt đứng yên trên diện rộng và dao động trong khoảng 56.000 - 58.000 đồng/kg. Trong đó, Hưng Yên và Hà Nội tiếp tục neo tại ngưỡng 58.000 đồng/kg, cao nhất khu vực. Ngoại trừ tỉnh Tuyên Quang hiện đang thu mua lợn hơi với giá 57.000 đồng/kg, các tỉnh thành còn lại đều giao dịch ổn định tại mức 56.000 đồng/kg.

Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Trong khi đó, tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay tăng giảm trái chiều từ 1.000 - 3.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 54.000 - 60.000 đồng/kg. Cụ thể, sau khi giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg, thương lái tại 2 tỉnh Hậu Giang và Vũng Tàu cùng thu mua lợn hơi chung mức 56.000 đồng/kg.

Đáng chú ý nhất trong tuần qua đó là giá dầu ăn tăng kỷ lục, mỗi lít dầu ăn hiện tăng 50% so với đầu năm và gấp đôi 2 năm trước, lên hơn 55.000 đồng - mức cao nhất từ trước đến nay và được doanh nghiệp lý giải là nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng. Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá dầu thực vật đã được các đại lý điều chỉnh ba lần, từ 32.000 đồng lên 48.000 đồng một lít. Giá bán lẻ mặt hàng này cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2020, lên 48.000 - 55.000 đồng mỗi lít. Tương tự, dòng sản phẩm trung và cao cấp như dầu đậu nành, hướng dương, gạo lứt tăng lên 68.000 - 85.000 đồng một lít, tăng 90% so với cùng kỳ 2020.

Ngoài áp lực tăng giá của một số mặt hàng nêu trên, tuần qua cũng ghi nhận thông tin tích cực của một số mặt hàng tiêu dùng giảm giá. Do giá gas trên thị trường thế giới giảm hơn 0,5% xuống mức 8,26 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 6/2022, giúp cho giá trong nước được doanh nghiệp duy trì mức bán ra giảm từ đầu tháng 5/2022 đến nay.

Đảm bảo nguồn cung xăng dầu để ổn định thị trường

Trước thực tế giá xăng dầu trong nước tiếp tục phải điều chỉnh vượt ngưỡng 30.000 đồng trong những ngày tới đây do áp lực giá thế giới, làm gia tăng áp lực về lạm phát, tác động tiêu cực đến đời sống người dân, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cũng đưa ra một số giải pháp.

Theo ông Trần Duy Đông, giá xăng dầu năm nay có khả năng diễn biến theo chiều hướng tăng cao, nhất là khi nguồn cung trong nước vẫn chưa ổn định, chuỗi cung ứng xăng dầu trên thế giới bị gián đoạn. Chính vì vậy, giải pháp quan trọng với các nhà điều hành cần bám sát tình hình, đồng thời theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh về tiến độ nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung theo chỉ đạo của Chính phủ.

Hiện nay, Bộ Công thương đã lên kịch bản cả năm, cũng như kịch bản của từng quý, hàng tháng, liên tục rà soát lại các nguồn từ trong nước và nhập khẩu để đảm bảo mục tiêu cao nhất là đủ xăng dầu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng.

Giá xăng có khả năng vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít

Đối mặt với áp lực tăng giá xăng dầu trên thị trường thế giới, Liên Bộ Công thương - Tài chính đã quyết định điều chỉnh tăng giá xăng dầu kể từ 15h, ngày 11/5.

Cụ thể, xăng E5RON92 được điều chỉnh giá không cao hơn 28.959 đồng/lít (tăng 1.491 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1.029 đồng/lít. Xăng RON95-III: không cao hơn 29.988 đồng/lít (tăng 1.554 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành). Dầu diezen 0.05S: không cao hơn 26.650 đồng/lít (tăng 1.120 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).

Theo các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp, hiện nay giá thế giới biến động ở mức cao, vì vậy nhiều khả năng Liên bộ Công thương - Tài chính tiếp tục phải điều chỉnh tăng giá xăng trong nước vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít.

Về nguồn cung trong nước, Bộ Công thương đã phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia để chỉ đạo hai nhà máy lọc dầu vận hành công suất tối đa, đặc biệt là Nhà máy lọc dầu Bình Sơn. Với nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, cơ quan chức năng cũng đề nghị phải khắc phục những sự cố để tạo nguồn trong nước ổn định. Về nguồn nhập khẩu, Bộ Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối có hướng đàm phán và thu xếp nguồn nhập khẩu để làm sao có được nguồn ổn định, cũng như giá cả hợp lý phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng.

Ông Trần Duy Đông cho biết thêm, trong công tác điều hành mặt hàng xăng dầu, Liên bộ Công thương - Tài chính liên tục theo dõi sát diễn biến của giá thế giới để tiếp tục có những kiến nghị liên quan tới vấn đề về thuế, phí. Mới đây, liên bộ cũng đã đề cập tới việc rà soát lại ngay cả với thuế MFN (mức thuế tối huệ quốc), với kiến nghị để giảm từ 20% xuống 12%. Tuy nhiên, mức giảm thế nào cũng phải tính để có thể hài hòa trong quá trình đàm phán với các nước, đồng thời giữ tỷ lệ nguồn thu, khuyến khích đa dạng hóa nguồn cung, nhưng cũng phải tạo chênh lệch giữa các mức thuế thị trường theo các nước ký hiệp định thương mại (FTA) với các thị trường có mức thuế MFN.