Phát triển kinh tế tư nhân tiếp sức cho thị trường chứng khoán Thị trường bất động sản được kỳ vọng bứt phá nhờ Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân

Hạ tầng mở rộng đầu tư tư nhân

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ về địa chính trị và mô hình tăng trưởng, Việt Nam đứng trước cơ hội tái định hình nền tảng phát triển. Theo ông Nguyễn Đại Hiệp - Giám đốc Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân tại Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), những tín hiệu cải cách thể chế rõ rệt từ sau Tết Nguyên đán 2025 đang mở ra triển vọng cho một chu kỳ tăng trưởng mới, với khu vực tư nhân đóng vai trò trung tâm.

Chỉ trong vài tháng, loạt nghị quyết quan trọng đã được ban hành, cho thấy quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng. Nổi bật là Nghị quyết 66, cho phép rút ngắn quy trình đưa luật vào chương trình kỳ họp, tăng tính linh hoạt và hiệu quả điều hành.

Tiếp đó, Nghị quyết 198 khẳng định vai trò kiến tạo của Nhà nước trong đầu tư hạ tầng, đồng thời mở rộng không gian cho khu vực tư nhân đầu tư 100% vào các lĩnh vực chiến lược như giao thông, năng lượng, chuyển đổi số và công nghiệp xanh - bước tiến được đánh giá là đột phá trong tư duy phát triển.

Thị trường vốn đón sóng mới từ làn gió cải cách và tư nhân hóa mạnh mẽ
Ảnh TL minh họa.

“Về dài hạn, Nghị quyết 68 lần đầu xác lập khu vực tư nhân là trụ cột kinh tế, đặt mục tiêu nâng số doanh nghiệp lên 2 triệu vào 2030 và 3 triệu vào 2045. Một giải pháp then chốt là chuyển đổi gần 800.000 hộ kinh doanh cá thể sang mô hình doanh nghiệp, qua đó vừa mở rộng cơ sở thuế, vừa tăng tính minh bạch và khả năng tiếp cận tín dụng chính thức” - chuyên gia từ VDSC cho biết.

Theo chuyên gia từ VDSC, các chính sách hỗ trợ cũng đang được tái thiết kế theo hướng có trọng tâm. Theo đó, các khu công nghiệp sau năm 2025 sẽ phải dành ít nhất 5% diện tích cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ sạch. Doanh nghiệp công nghệ cao có thể được giảm 3% tiền thuê đất - biện pháp hỗ trợ thiết thực và dễ triển khai.

Đáng chú ý, Chính phủ cũng đang tạo cơ chế để doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án trọng điểm, thậm chí có thể được chỉ định thầu nếu đủ năng lực, như đề xuất đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Đồng thời, các gói hỗ trợ tài chính như trợ lãi suất 2% cho dự án xanh đang được xây dựng, nhằm khuyến khích đầu tư vào phát triển bền vững.

Trong khoa học công nghệ, doanh nghiệp được phép trích tối đa 20% thu nhập trước thuế để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, cùng với hệ sinh thái khởi nghiệp đang được hoàn thiện để thu hút cả doanh nghiệp lớn và nhỏ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

“Cải cách thể chế không chỉ thúc đẩy sản xuất và đầu tư, mà còn lan tỏa sang tài chính – ngân hàng. Việc chính thức hóa hộ kinh doanh cá thể sẽ mở rộng tệp khách hàng tín dụng, nâng cao minh bạch và chất lượng tài sản ngân hàng. Khi hơn 2.200 dự án đầu tư công và bất động sản được gỡ vướng pháp lý, dòng vốn sẽ được khơi thông, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ tới các ngành và tổng cầu của nền kinh tế” - chuyên gia từ VDSC nhận định.

Thị trường vốn bước vào chu kỳ mới

Tác động lan tỏa này cũng đang được phản ánh trên thị trường vốn. Theo ông Nguyễn Việt Đức -Giám đốc Kinh doanh số của Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS), sự phát triển bền vững của khu vực tư nhân sẽ tạo nền tảng quan trọng để cải thiện chất lượng “hàng hóa” trên sàn chứng khoán.

Thị trường vốn đón sóng mới từ làn gió cải cách và tư nhân hóa mạnh mẽ
Thị trường chứng khoán ngày 20/5 với sắc xanh lan toả ở các nhóm ngành như ngân hàng, bất động sản, du lịch...

“Thị trường đã trải qua thời gian dài vắng bóng các thương vụ IPO lớn, nhưng gần đây một số tập đoàn lớn đã bắt đầu công bố thông tin tài chính và kế hoạch niêm yết, cho thấy sự thay đổi tích cực. Việc niêm yết không chỉ là công cụ huy động vốn mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực tài chính, cải thiện hệ số vốn chủ sở hữu và tăng tính minh bạch khi tiếp cận các kênh tín dụng” - chuyên gia từ VPBankS chia sẻ.

Theo chuyên gia VPBanks, nhà đầu tư cần có tư duy trung, dài hạn và khả năng chấp nhận rủi ro có tính toán, thay vì chờ đợi các báo cáo kết quả kinh doanh mới ra quyết định. “Giai đoạn tháng 4 vừa qua là thời điểm tích lũy tương đối thuận lợi nhờ mặt bằng định giá hấp dẫn, dù một số cổ phiếu đã phục hồi. Cơ hội đầu tư vẫn hiện hữu, đặc biệt khi nền tảng chính sách cho một chu kỳ tăng trưởng mới đang từng bước được xác lập” - chuyên gia VPBankS đánh giá.

Với các cải cách thể chế đang diễn ra đồng bộ từ luật pháp, đầu tư công đến chính sách tài khóa, tín dụng và thị trường vốn, khu vực kinh tế tư nhân đang dần được trao quyền và cơ hội rõ rệt hơn trong chiến lược phát triển quốc gia. Sự dịch chuyển từ lời nói sang hành động, từ tầm nhìn chiến lược sang cơ chế thực thi cụ thể đang tạo kỳ vọng mới cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư.

“Nếu được triển khai nhất quán và hiệu quả, đây sẽ là nền tảng vững chắc giúp Việt Nam bước vào chu kỳ tăng trưởng dài hạn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh địa kinh tế đầy biến động hiện nay” - chuyên gia VPBankS nói.

Các chuyên gia VDSC đánh giá rằng, chính sách tiền tệ nới lỏng và tăng trưởng tín dụng 18,44% cùng kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng mạnh mẽ là bệ đỡ quan trọng cho kinh tế năm 2025. Dự báo GDP năm nay sẽ tăng khoảng 6,5% đến 7%, dù chưa đạt 8% kỳ vọng. Với các chính sách linh hoạt và điều kiện hiện tại, Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định và bền vững trong bối cảnh biến động toàn cầu.