Thờ ơ lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, người dân đang đánh mất quyền lợi
Nguồn: Cục Thuế. Đồ họa: Phương Anh

Xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng

Theo số liệu từ Cục Thuế, lũy kế từ khi triển khai đến 31/3/2025, tổng số hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là hơn 13 tỷ hóa đơn, trong đó hóa đơn có mã là hơn 3 tỷ; hóa đơn không mã là 8,27 tỷ; hóa đơn theo lần phát sinh là 2,3 triệu; hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền là 1,94 tỷ.

Mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người nộp thuế

"Việc sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền không chỉ giúp minh bạch hóa giao dịch, giảm chi phí, mà còn hỗ trợ người nộp thuế quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh, tra cứu dễ dàng và nâng cao uy tín với khách hàng, sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh”. Ông Vũ Mạnh Cường - Phó Cục trưởng Cục Thuế

Đối với việc triển khai hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền, lũy kế từ khi triển khai đến hết 31/3/2025, đã có 97.969 doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công, tăng 5,3% so với cuối năm 2024, với số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là 1,94 tỷ hóa đơn, tăng 42% so với cuối năm 2024.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc ngành Thuế triển khai thành công hệ thống hóa đơn điện tử nói chung và hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nói riêng là bước ngoặt quan trọng trong hiện đại hóa quản lý thuế.

Thực tế cho thấy dù đã triển khai rộng rãi, song hóa đơn điện tử vẫn chưa thực sự thẩm thấu vào huyết mạch của đời sống xã hội, do đại bộ phận người dân còn thờ ơ với việc lấy hóa đơn khi mua hàng hóa. Đại diện Cục Thuế cho rằng, sự thờ ơ này không chỉ khiến người tiêu dùng bỏ qua quyền lợi chính đáng của mình, mà còn vô tình tiếp tay cho tình trạng gian lận thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước, tạo môi trường kinh doanh không lành mạnh.

Theo phản ánh của người dân, khi mua hàng hóa, dịch vụ có yêu cầu cơ sở kinh doanh xuất hóa đơn, tuy nhiên phải trả thêm phần trăm thuế giá trị gia tăng. Các chuyên gia cho rằng, việc doanh nghiệp, hộ kinh doanh cộng thêm thuế giá trị gia tăng khi khách hàng yêu cầu lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ là hành vi sai phạm cần chấn chỉnh, đồng thời người tiêu dùng cũng cần thay đổi thói quen để bảo vệ quyền lợi của mình, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng.

Tăng tốc phủ sóng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền

Theo quy định tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/6/2025, tất cả hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế.

Để tăng tốc phủ sóng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đến doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc diện phải áp dụng, Cục Thuế đã tham mưu Bộ Tài chính có văn bản gửi lãnh đạo các tỉnh, thành phố về việc chỉ đạo các cơ quan địa phương phối hợp với cơ quan thuế đẩy mạnh triển khai thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền theo quy định tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP; tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố về việc hỗ trợ kinh phí ban đầu về máy tính, máy in cho hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhưng chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin.

Về phía Cục Thuế cũng đã chỉ đạo các chi cục thuế khu vực tăng tốc mở rộng triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền để phục vụ người dân và người nộp thuế; quyết liệt triển khai nhiệm vụ đến lãnh đạo các phòng, chi cục thuế và cụ thể đến từng công chức quản lý đơn vị.

Thực hiện chỉ đạo của Cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực I đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Thống kê của Chi cục Thuế khu vực I cho thấy, lũy kế đến thời điểm tháng 3/2025 trên địa bàn Hà Nội có 10.358 cơ sở kinh doanh, trong đó có 7.996 doanh nghiệp, 2.362 hộ kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, tăng 70% số lượng khi bắt đầu triển khai năm 2023, với số lượng hóa đơn đầu vào là 148,5 triệu hóa đơn.

Kết quả trên bước đầu cho thấy, số lượng hộ kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn đã đăng ký và sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền ngày càng tăng, đặc biệt là trong các lĩnh vực nhà hàng, ăn uống, bán lẻ hàng hóa dịch vụ.

Theo đánh giá của Chi cục Thuế khu vực I, doanh thu của hộ kinh doanh đã có sự thay đổi rõ rệt khi sử dụng hóa đơn điện tử, doanh thu khi sử dụng hóa đơn điện tử đạt 80.090 triệu đồng, tăng 21% so với cùng kỳ tháng 3/2024 là 65.891 triệu đồng.

Đại diện Chi cục Thuế khu vực I cho biết, đang tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho người nộp thuế. Đồng thời phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát nhằm đưa việc sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trở thành thói quen, góp phần minh bạch hoạt động kinh doanh và chống thất thu ngân sách nhà nước.

Còn đối với Chi cục Thuế khu vực II, Chi cục được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các sở, ngành triển khai, đồng thời tham mưu các giải pháp quản lý thuế hiệu quả đối với hộ, cá nhân kinh doanh. Trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thuế để cải thiện môi trường kinh doanh.

Theo thống kê của Chi cục Thuế khu vực II, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 200.000 hộ kinh doanh, chưa tính hộ cho thuê nhà; trong đó có khoảng 13.000 hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm trở lên thuộc 6 nhóm ngành nghề theo quy định tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế. Chi cục đặt mục tiêu đến 25/5/2025 sẽ cơ bản hoàn tất triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền cho hộ kinh doanh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Phạt tiền đến 10 triệu đồng đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa

Theo quy định tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP của Chính phủ, kể từ ngày 1/6/2025, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 1 tỷ đồng trở lên, đồng thời có sử dụng máy tính tiền, bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Ngoài ra, các trường hợp xác định được doanh thu khi bán hàng hóa, dịch vụ có quy mô về doanh thu và lao động đáp ứng tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ cũng phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối và chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

Trường hợp thuộc diện áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền theo quy định tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP, nhưng chưa có máy tính tiền do chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin, giải pháp xuất hóa đơn điện tử từ máy tính tiền thì cơ quan thuế có kế hoạch, giải pháp hỗ trợ và thông báo đến người nộp thuế về việc chuyển đổi áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Ngoài ra, Nghị định 70/2025/NĐ-CP nêu rõ, trường hợp hộ kinh doanh thuộc đối tượng đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, nhưng không đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng - 4 triệu đồng đối với hành vi lập sai loại hóa đơn theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (quy định tại điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP). Ngoài ra, phạt tiền từ 5 triệu đồng - 10 triệu đồng đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua theo quy định (quy định khoản 5 Điều 24 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP).