Tích cực tạo thuận lợi, gỡ khó cho doanh nghiệp

Theo ước tính của Tổng cục Hải quan, đến hết ngày 14/11, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) của ngành Hải quan đã đạt 329.544 tỷ đồng, tăng 22,46% so với cùng kỳ năm 2020 và vượt dự toán đề ra.

Số thu đạt khá một phần khách quan do giá dầu thô tăng kéo theo giá của một số sản phẩm như khí đốt, chất dẻo, hóa chất,... tăng. Bên cạnh đó, giá sắt thép, quặng sắt, các sản phẩm sắt thép tăng mạnh giúp tăng thu từ nhóm hàng này. Ngoài ra, lượng ô tô nguyên chiếc các loại được các doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu cũng tăng gấp 1,6 lần. Đặc biệt, trong năm 2021; nhiều dự án điện gió được triển khai làm tăng thu đột biến từ linh kiện, máy móc thiết bị phục vụ dự án.

Ở phía chủ quan, cùng với sự hồi phục của doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm, để đạt được kết quả trên, ngành Hải quan đã rất nỗ lực.

Theo đại diện Cục Thuế Xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan đã ban hành các văn bản chỉ đạo đồng bộ thống nhất các giải pháp thu ngân sách 2021, sớm hơn nhiều so với các năm trước, như Chỉ thị 215/CT-TCHQ ngày 15/1/2021 về tăng cường hiệu quả thu NSNN, Công văn 119/TCHQ-GSQL ngày 11/1/2021 nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát hải quan. Từ đó, các đơn vị hải quan trên cả nước đã đồng loạt triển khai quyết liệt các nhiệm vụ thu ngân sách theo các nhóm giải pháp đặt ra, đặc biệt là tạo mọi điều kiện thông thoáng cho hoạt động xuất nhập khẩu để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Nguồn: Tổng cục Thống kế Infographic: T.L
Nguồn: Tổng cục Thống kế

Cơ quan hải quan đã tham mưu, báo cáo, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản chính sách pháp luật góp phần cải cách thủ tục hành chính theo hướng tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sản xuất xuất khẩu phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế; tạo thuận lợi hơn cho công tác quản lý thu thuế của cơ quan Hải quan.

Để kịp thời hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19, cơ quan Hải quan cũng đã báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP xử lý chung đối với hàng hóa nhập khẩu tài trợ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, được áp dụng chính sách thuế ưu đãi thuế; Quyết định số 1921/QĐ-BTC bổ sung mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu.

Bên cạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, để thích ứng với tình hình giãn cách, ngành Hải quan đã triển khai đồng bộ các biện pháp tư vấn người nộp thuế qua hệ thống hải quan điện tử, giảm thiểu việc tiếp xúc. Việc kiểm tra thực tế, xác nhận cũng đảm bảo thuận tiện cho doanh nghiệp và tuân thủ nghiêm công tác phòng, chống dịch; giảm thấp nhất thủ tục, từ đó giảm gánh nặng giúp doanh nghiệp hoạt động thông suốt, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng.

Song song với việc tạo thuận lợi, để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách, Tổng cục Hải quan triển khai một số các giải pháp chống gian lận thương mại, chống thất thu và mang lại kết quả đáng kể.

Cơ quan Hải quan cũng đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bắt giữ 11.961 vụ vi phạm với trị giá hàng hóa gần 2.000 tỷ đồng, xử lý thu nộp ngân sách 170,3 tỷ đồng; ra quyết định khởi tố 25 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố 102 vụ.

Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại, cơ quan hải quan đã thu hồi và xử lý nợ thuế đạt 535,4 tỷ đồng.

Tập trung quản lý rủi ro và thu hồi nợ thuế

Chỉ còn tròn 1 tháng nữa là năm 2021 đầy sóng gió sẽ kết thúc. Tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa sắp đạt mốc 600 tỷ USD, chính thức trở thành một điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm nay. Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng “hưởng lợi” từ đó và tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm 2020, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách trung ương.

Mặc dù dự toán thu NSNN từ xuất nhập khẩu đã hoàn thành, tuy nhiên, để đảm bảo nhiệm vụ trong những ngày cuối cùng của năm 2021, cơ quan hải quan vẫn đang đẩy mạnh các giải pháp chống thất thu qua kiểm tra sau, chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Thu vào ngân sách hơn 494 tỷ đồng qua thanh tra, kiểm tra

Tính đến ngày 31/10/2021, cơ quan Hải quan đã thực hiện 150 cuộc thanh tra, kiểm tra toàn ngành, kiến nghị truy thu 288,6 tỷ đồng, đã nộp vào ngân sách đạt 227,1 tỷ đồng; 1.328 cuộc kiểm tra sau thông quan, tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 545,7 tỷ đồng, đã thực thu vào ngân sách số tiền là 494,7 tỷ đồng.

Cụ thể, tập trung tăng cường thu thập thông tin, xác định dấu hiệu rủi ro để có biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát; kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Đồng thời rà soát, thực hiện kiểm tra tên hàng, mã số, mức thuế tại khâu thông quan, khâu sau thông quan nhằm phát hiện và xử lý các trường hợp khai sai mã số, khai ngụy trang tên hàng hoặc khai tên hàng không rõ ràng, đầy đủ để được áp dụng mức thuế thấp hoặc được hưởng các mức thuế ưu đãi đặc biệt. Trong đó, tập trung kiểm tra những mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu có rủi ro về phân loại và áp dụng mức thuế.

Các đơn vị cũng đang thực hiện nghiêm việc kiểm tra trị giá đối với những mặt hàng và doanh nghiệp có khả năng rủi ro cao về trị giá, tránh trường hợp bỏ sót, bỏ lọt các lô hàng có mức giá khai báo thấp, bất hợp lý nhưng không được tham vấn hoặc xử lý kịp thời; trong đó tập trung chỉ đạo theo chuyên đề đối với những nhóm hàng, mặt hàng xuất khẩu có thuế suất cao.

Đồng thời, để đảm bảo công tác xử lý nợ thuế đạt kết quả cao, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các đơn vị rà soát, thực hiện phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu, tổ chức thực hiện thu hồi và xử lý nợ thuế đảm bảo nợ thuế đến 31/12/2021 thấp hơn thời điểm 31/12/2020; rà soát số thuế phải hoàn của năm 2021, thực hiện hoàn thuế đúng đối tượng quy định, chậm nhất trong tháng 1/2022.