Giảm 25,05% so với cùng kỳ

Ông Lê Thanh Hải, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 54.199 vụ việc vi phạm (giảm 25,05% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, có 5.243 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu (giảm 53,72% so với cùng kỳ năm 2021); 47.781 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế (giảm 4,72% so với cùng kỳ năm 2021); 1.019 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (giảm 90,61% so với cùng kỳ năm 2021). Thu nộp ngân sách nhà nước 3.728 tỷ đồng.

Theo đánh giá, kết quả nói trên phản ánh hiệu quả của việc Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng chủ động triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xây dựng và triển khai Kế hoạch công tác năm, Kế hoạch Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Bên cạnh đó, tập trung lực lượng, phương tiện, sử dụng đồng bộ các biện pháp kết hợp vừa kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19, vừa tích cực, quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Toàn cảnh hội nghị.									        Ảnh: Đức Minh
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Nhiều vụ việc, vụ án, đối tượng cầm đầu, đường dây ổ nhóm, tụ điểm phức tạp, về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước đã được các lực lượng chức năng phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm minh tạo sự răn đe phòng ngừa. Điều này đã góp phần lành mạnh ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, đảm bảo an ninh trật tự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nhận diện các vấn đề nổi cộm

Đồng tình với nhận định nói trên, phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác chống buôn lậu 6 tháng đầu năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia biểu dương những nỗ lực không nhỏ của lực lượng chức năng trên cả nước để đạt được kết quả nói trên.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đặt vấn đề số lượng vụ việc bị phát hiện, xử lý khá lớn và giảm so với năm 2021 là một điểm tích cực. “Song, vẫn hết sức phải cảnh giác vì có nhiều vụ việc chúng ta chưa phát hiện được hết, nhất là trong bối cảnh hoạt động kinh tế - xã hội tăng lên, nguồn cung một số mặt hàng như xăng dầu, dược phẩm, hàng thiết yếu,… còn gặp khó khăn có thể dẫn đến tình trạng hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả có chiều hướng tăng” - Phó Thủ tướng nói.

Vi phạm thương mại điện tử công khai, phức tạp

Các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử là tất yếu, đa dạng. Hiện nay việc các đối tượng vi phạm lợi dụng môi trường thương mại điện tử để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra khá thường xuyên, công khai và phức tạp. Các giao dịch thương mại điện tử trên nền tảng mạng xã hội hầu hết đều vi phạm về nhãn mác hàng hoá, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Kết quả 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý trên 17.300 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách gần 137 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 54 vụ.

Các cơ quan, lực lượng chức năng cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện, bắt giữ và xử lý. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị chức năng còn buông lỏng, coi nhẹ công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, giao phó cho các lực lượng chức năng, thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra đôn đốc dẫn đến kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt được thấp, các vi phạm xảy ra trên địa bàn kéo dài, chậm xử lý, còn có cán bộ sai phạm.

Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia khẳng định, các lực lượng cần tăng cường hơn nữa các biện pháp để ngăn chặn, triệt phá các vụ việc vi phạm; đặc biệt chú ý một số công tác trọng tâm. Trước tiên là thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng nhằm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Bên cạnh đó, cần phải nhận diện được các vấn đề nổi cộm hiện nay, những phương thức, thủ đoạn mới trong buôn lậu, gian lận, hàng giả để có phương án đấu tranh phù hợp. “Để làm được, tôi đồng ý cần rà soát lại các cơ sở pháp lý để hoàn thiện, giải quyết những khó khăn vướng mắc thực tế kịp thời” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng cũng như các địa phương cần tăng cường xử lý, chia sẻ, cung cấp thông tin với nhau; tích cực vận động, tạo thuận lợi cho người dân tham gia tố cáo tội phạm, từ đó có cơ sở phát hiện, xử lý vi phạm.

Các nhiệm vụ trọng tâm khác cũng được Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ lưu ý là tích cực điều tra các thông tin để tìm ra nguồn gốc, kho lưu trữ, xuất xứ của hàng lậu, hàng gian lận thương mại và hàng giả; nâng cao vai trò của các cơ quan thông tin trong vận động, nêu lên vụ việc vi phạm, cũng như trong vận động người dân tham gia đấu tranh,…

Lựa chọn trọng tâm, trọng điểm để đấu tranh, ngăn chặn vi phạm

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã làm tốt vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tham mưu triển khai, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương, đồng thời chỉ đạo các lực lượng chức năng của Bộ chủ động triển khai nhiều kế hoạch chuyên đề, giải pháp đấu tranh, phát hiện, xử lý nhiều vụ việc, mặt hàng nổi cộm như: Ma túy, vũ khí, pháo nổ, xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, xì gà, phân bón, vật tư nông nghiệp, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả.

Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các đơn vị trong thẩm quyền quản lý triển khai nhiều giải pháp để chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Chia sẻ về các giải pháp để đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiệu quả trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc- Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhấn mạnh một số điểm “hết sức quan trọng”. Đó là việc huy động nguồn thông tin từ quần chúng nhân dân, “cần công khai số điện thoại của lực lượng chống buôn lậu các cấp để người dân phát hiện nghi vấn sẽ thông tin lại cho lực lượng chức năng triển khai đấu tranh, xử lý” - Bộ trưởng nói.

Tiếp đó, theo Bộ trưởng, cần có quan hệ phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các lực lượng chức năng với nhau cả ở trung ương và địa phương. Ngoài ra, việc thu thập thông tin trước cũng quan trọng. Hiện nay, cơ quan hải quan đang quản lý hàng hóa bằng phương pháp quản lý dựa trên rủi ro song cũng không thể kiểm soát hết được vi phạm dù đã tăng cường máy soi ở các cửa khẩu, sân bay. Để phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm, trước khi thông quan, nếu lực lượng chức năng nhận được tin báo, thông tin đặc biệt về các vụ việc vi phạm thì sẽ thuận lợi cho việc ngăn chặn, đấu tranh bắt giữ. Và để làm được, theo Bộ trưởng, cần lựa chọn trọng tâm, trọng điểm để triển khai thu thập thông tin, “ví dụ như tập trung vào cảng biển, cửa khẩu; ví dụ như lựa chọn mặt hàng xăng dầu, ma túy, hàng điện tử, động vật hoang dã, ngà voi, sừng tê tê,…” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ở nội địa, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế mở Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài và triển khai ứng dụng nộp thuế điện tử trên thiết bị di động. Những cải cách này kỳ vọng sẽ quản lý tốt hơn các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cũng như các hoạt động kinh doanh xuyên biên giới để hạn chế phần nào vi phạm trên các kênh mua bán này.