Thủ tướng Chính phủ: Nông dân tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, với vai trò chủ thể của nông dân, nông nghiệp đã góp phần bảo đảm các cân đối lớn.

Chiều 30/12, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại trực tiếp với nông dân Việt Nam, với chủ đề "Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững".

Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân

Tại hội nghị, bà con nông dân chia sẻ, Tổng Bí thư có nhấn mạnh đến "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh". Để cụ thể hóa chủ trương này, hiện Chính phủ đã có định hướng chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế trong nông nghiệp, từ nông nghiệp đơn giá trị sang nông nghiệp đa giá trị. Tuy nhiên, thời gian tới Chính phủ sẽ có những chính sách gì để thúc đẩy, khuyến khích, hỗ trợ nông dân thực hiện nhanh quá trình chuyển đổi đó?

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, hầu hết các giải pháp để phát triển "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" đều đã được đề cập, nhấn mạnh trong Nghị quyết số 19-NQ/TW. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh giải pháp nâng cao năng lực của người nông dân. Nếu người nông dân không có năng lực, không cùng với nhau ngồi vào một bàn tròn kinh tế tập thể thì rất khó.

2.000 câu hỏi, đề xuất gửi đến Thủ tướng

Qua chuẩn bị hội nghị đối thoại, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai lấy ý kiến sâu rộng trong các cấp hội, hội viên nông dân cả nước; đã có gần 2.000 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị được gửi tới Thủ tướng Chính phủ.

"Diện tích đất nông nghiệp của chúng ta có 0,27 ha/người, so với đất nước bên cạnh chúng ta là Thái Lan 0,56 ha/người, tức là sản xuất nông nghiệp chúng ta bằng một nửa họ. Nếu ta so với các nước ở châu Âu nữa thì họ có tới 7 - 10 ha bình quân 1 hộ sản xuất. Mà quy mô càng nhỏ chi phí càng lớn. Vì thế, công sức của bà con nông dân với quy mô sản xuất như thế đạt được thành tựu rất to lớn, cho thấy sự chăm chỉ của người nông dân. Tuy nhiên, chúng ta không thể nào cạnh tranh được nếu không liên kết những mảng đất nhỏ, những mảnh vườn nhỏ trở thành 1 đại điền lớn như là mô hình tỉnh Thái Bình đang làm" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Bộ NN&PTNT sẽ cùng với doanh nghiệp (DN) để hỗ trợ bà con. Nếu bà con liên kết được và hợp tác xã đủ mạnh thì cộng đồng DN luôn sẵn sàng tạo ra những vùng nguyên liệu, ví dụ như cà phê Tây Nguyên, DN sẽ đầu tư hỗ trợ thêm về máy móc cơ giới, kho dự trữ cà phê… Chính DN là người đưa nông sản ra thị trường. Nhà nước đóng vai trò cầu nối và tạo ra những điều kiện phù hợp.

Thủ tướng Chính phủ: Nông dân tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành đối thoại với nông dân chiều 30/12 tại Hà Nội.

Đẩy mạnh 3 giải pháp đột phá chiến lược

Bổ sung thêm vấn đề trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, với vai trò chủ thể của nông dân, nông nghiệp đã góp phần bảo đảm các cân đối lớn, giúp nước ta làm đủ ăn và có xuất khẩu. Đây là đóng góp của ngành Nông nghiệp, của nông dân Việt Nam.

Thủ tướng cho biết, chúng ta đang đẩy mạnh 3 giải pháp đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực) với các luật như Luật Đất đai, Luật Hợp tác xã… để phục vụ người dân nói chung, trong đó có người nông dân.

Chúng ta cũng triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình nông thôn mới, chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) với tổng nguồn lực khoảng 800 nghìn tỷ đồng trong nhiệm kỳ này; đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông từ Bắc tới Nam, tương đối đồng đều trên các lĩnh vực; xây dựng hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu.

Vừa qua, các tỉnh, thành phố đã đề xuất hàng chục nghìn tỷ đồng và đã chi khoảng 6-7 nghìn tỷ đồng cho hạ tầng ứng phó hạn hán, sạt lở… và đang cố gắng giải ngân khoản ODA hơn 2 tỷ USD cho đồng bằng sông Cửu Long; đầu tư khắc phục các vùng lõm về điện và sóng viễn thông…

Cùng với đó, chúng ta đẩy mạnh chuyển đổi xanh, trong đó có việc cắt giảm phát thải trong nông nghiệp, tiến hành sản xuất xanh, như triển khai chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, đây là chương trình rất lớn và có lẽ là duy nhất trên thế giới; từ đó đáp ứng yêu cầu của các đối tác nhập khẩu.

Mặt khác, Bộ Chính trị đã có nghị quyết và Chính phủ đã có kế hoạch triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển 6 vùng kinh tế - xã hội. Các hội đồng điều phối vùng cũng được Chính phủ thành lập.

Theo Thủ tướng, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nông nghiệp, nông dân là rất lớn với chính sách, cơ chế, nguồn lực như trên. Đáp lại, giá trị gia tăng toàn ngành Nông nghiệp (GDP) tăng cao, ước đạt 3,83% trong 2023, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây.

Nông nghiệp cũng xuất khẩu 53 tỷ USD, có hơn 10 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Nhiều ngành như gỗ, thủy sản đã xoay chuyển tình thế rất khó khăn để xuất khẩu với các chính sách hỗ trợ như gói tín dụng cho lâm sản, thủy sản khoảng 15.000 tỷ đồng đã giải ngân 90%.

Với vai trò chủ thể của nông dân, nông nghiệp đã góp phần bảo đảm các cân đối lớn, giúp nước ta làm đủ ăn và có xuất khẩu. Đây là đóng góp của ngành Nông nghiệp, của nông dân Việt Nam.

Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng mong nông dân tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc của mình.

Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân được tổ chức ngay sau khi Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới và thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028.