Còn 4 bộ chỉ có 1 thủ tục thực hiện NSW
Từ khi NSW vận hành thí điểm (tháng 11/2014) đến đầu tháng 5/2016, có gần 6.000 doanh nghiệp (DN) với hơn 90.000 hồ sơ được thực hiện. Đến nay, có 9 bộ, ngành kết nối NSW, với 31 thủ tục hành chính tham gia, chưa tính thủ tục trong lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính. Về mặt số lượng, các thủ tục hành chính kết nối NSW mới đạt gần 30% so với tổng số thủ tục hành chính cấp phép cho hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh.
Ngoài thủ tục trong lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải là đơn vị có nhiều thủ tục kết nối nhất với 11 thủ tục, và cũng là bộ có lượng DN, hồ sơ thực hiện NSW nhiều nhất. Tuy nhiên, trong lĩnh vực giao thông vận tải, mới chỉ triển khai cho tàu biển đối với 9/25 cảng vụ hàng hải; thủ tục cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động nội địa vào, rời cảng biển mới chính thức triển khai từ 1/3/2016...
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng là đơn vị có số lượng tham gia NSW khá nhiều với 9 thủ tục. Nhưng con số này mới chỉ đạt khoảng 40% trên số lượng các thủ tục mà bộ này cần đưa lên thực hiện trên NSW. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có kế hoạch đặt mục tiêu triển khai thực hiện khoảng 30 thủ tục trong giai đoạn 2016 - 2020.
Bên cạnh sự nhiệt tình vào cuộc của một số bộ, ngành, đến nay, vẫn còn 4 bộ mới có 1 thủ tục thực hiện NSW (Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Thông tin và Truyền thông).
Theo ý kiến từ phía các bộ, ngành, thời gian qua, còn nhiều khó khăn khi thực hiện NSW. "Các bộ, ngành vẫn chưa thực sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện do đây là phương thức thực hiện mới, vẫn có sự lo ngại về trách nhiệm xử lý hồ sơ cũng như chưa thực sự tin tưởng vào tính ổn định của hệ thống. Hạ tầng công nghệ thông tin của các bộ, ngành chưa đồng đều và chưa hoàn thiện, nên cũng ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin cho DN”, ông Vương Đức Hinh – Phó Văn phòng thường trực Cải cách hành chính Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay.
Kỳ vọng vào sự đổi mới mạnh mẽ
Đánh giá về tiến độ và kết quả triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP của các bộ, ngành trong thời gian qua, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đề cập đến việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, khảo sát NSW của CIEM cho thấy, xét về thủ tục mới có 1/4 trong số hơn 100 thủ tục mới được kết nối. Tuy nhiên những thủ tục được kết nối mới chỉ là những thủ tục ít tác động đến DN; ít thay đổi về quyền và nhiệm vụ của các bộ, ngành. Chúng ta cần thay đổi một cách thực chất hơn. Tìm ra những thủ tục tác động đến nhiều nhất cộng đồng DN để kết nối trước…
“Bộ Tài chính đã luôn tiên phong trong thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP cần mạnh mẽ hơn trong việc thúc đẩy các bộ, ngành vào cuộc. Hiện nay, chúng ta đã xác định được vướng cái gì, vướng do đâu, vướng do ai để có giải pháp tháo gỡ thực hiện. Đã liệt kê ra 196 văn bản từ luật, nghị định, cho đến thông tư và cấp bách sửa đến 87 văn bản nằm trong thẩm quyền các bộ, ngành… Chúng tôi kỳ vọng, ở một sự thay đổi có tính chất bước ngoặt trong cải thiện chỉ số thông quan qua biên giới nhằm giảm chi phí, giảm rủi ro, tạo thuận lợi cho DN với sự dẫn dắt của Bộ Tài chính, sự phối hợp tích cực, có trách nhiệm của 14 bộ, ngành có liên quan.”, TS Nguyễn Đình Cung nói.
Nhằm thúc đẩy việc thực hiện, NSW, ông Nguyễn Trần Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu đến năm 2018 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành. Đồng thời, từ nay đến cuối năm 2016, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ triển khai thanh toán điện tử trên NSW như thanh toán phí, lệ phí đối với tàu biển, lĩnh vực đăng kiểm và các thủ tục hành chính đã tham gia NSW…/.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về việc thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban). Ủy ban có nhiệm vụ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, phối hợp hoạt động của các bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và triển khai ASW, NSW; triển khai các giải pháp đồng bộ để tạo thuận lợi cho thương mại và giao lưu hàng hóa qua biên giới. Đây được xem là động lực quan trọng, là cú hích để nâng cao hiệu quả thực hiện NSW và thúc đẩy hoạt động XNK. |
Bảo Châu - Hải Linh