Đây là một dấu hiệu đáng mừng được nêu lên tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp từ hoạt động khai thác tài sản trí tuệ tại trường đại học, viện nghiên cứu”, đang được tổ chức trong chuỗi sự kiện Techfest Việt nam 2021 diễn ra vào đầu tháng 12/2021.

Tại hội thảo ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, cho rằng kết quả này phần nào thể hiện sự cải thiện về giá trị của các kết quả nghiên cứu từ các trường đại học, viện nghiên cứu. Có căn cứ xác lập quyền sở hữu trí tuệ thì các kết quả nghiên cứu này mới có thể được thương mại hóa một cách hiệu quả, từ đó có nguồn để tái đầu tư cho nghiên cứu khoa học.

Thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp từ hoạt động khai thác tài sản trí tuệ tại trường đại học, viện nghiên cứu
Ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu tại hội thảo.

Theo ông Đinh Hữu Phí, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, rà soát và đánh giá thực trạng việc khai thác thương mại các kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và giống cây trồng.

Cho đến nay, trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đánh giá, Bộ Khoa học và Công nghệ dự kiến sẽ đề xuất với Chính phủ cho phép mở rộng đối tượng áp dụng cơ chế giao quyền đăng ký đối với kết quả nghiên cứu là đối tượng được bảo hộ giống cây trồng. Tuy nhiên ông Đinh Hữu Phí cũng cho rằng, còn tồn tại những bất cập trong một số quy định hiện hành, trong đó, có quy định về sở hữu trí tuệ là rào cản cho việc thương mại hóa các tài sản trí tuệ của trường đại học, viện nghiên cứu. Thông tin về việc hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của trường đại học, viện nghiên cứu.

Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang nghiên cứu để sửa lại đề xuất liên quan đến vấn đề kiểm soát việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng được giao quyền theo hướng đơn giản hóa yêu cầu để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc thúc đẩy thương mại hóa các đối tượng này.

Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang rà soát thêm để đề xuất sửa đổi các quy định của các luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan, ví dụ như Luật Khoa học và Công nghệ...

Ông Đinh Hữu Phí cho rằng, một trong những giải pháp cần thiết hiện nay đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp là kết nối, khai thác các tài sản trí tuệ từ các trường đại học, viện nghiên cứu. Trường đại học, viện nghiên cứu chính là cái nôi sáng tạo ra tri thức và công nghệ mới. Trong Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và Chương trình phát triển tài sản đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đều đề cập đến việc kết nối giữa doanh nghiệp và các trường đại học, viện nghiên cứu.

Theo đó, các nhiệm vụ được đặt ra là thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đặt hàng, liên kết, hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để khai thác, phát triển tài sản trí tuệ. Việc hợp tác, khai thác tài sản trí tuệ từ các trường đại học, viện nghiên cứu một mặt sẽ rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh. Từ đó, giúp các doanh nghiệp giảm bớt thời gian, chi phí đầu tư nghiên cứu để tập trung phát triển sản phẩm, thị trường. Mặt khác, việc hợp tác này tạo cơ hội cho các trường đại học, viện nghiên cứu thương mại hóa, lan tỏa kết quả nghiên cứu phục vụ đời sống kinh tế, xã hội, qua đó, tạo động lực thúc đẩy hoạt động nghiên cứu tại các cơ sở này.

“Với số lượng đơn đăng ký sáng chế của các trường đại học, viện nghiên cứu có xu hướng ngày càng tăng trong những năm gần đây, chắc chắn rằng, sự kết hợp giữa trường, viện và doanh nghiệp hoặc hình thành mới các doanh nghiệp từ tài sản trí tuệ của trường đại học, viện nghiên cứu sẽ đem lại những kết quả tích cực” - ông Đinh Hữu Phí nhấn mạnh./.