Chủ đề của diễn đàn là “Bơi trong dòng xoáy”, gồm hai phiên thảo luận chuyên sâu, trong đó các diễn giả tham dự diễn đàn cùng phân tích, cung cấp cái nhìn toàn cảnh về kinh tế toàn cầu, cũng như kinh tế vĩ mô Việt Nam, đặc biệt là thị trường tài chính, tiền tệ.

Tìm cơ hội, triển vọng kinh tế trong vòng “nước xoáy”
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: C.C
Cần có giải pháp ứng phó kịp thời trước cơ hội, thách thức đan xen Lợi ích lâu dài, bền vững từ "sân chơi" thuế tối thiểu toàn cầu 750 doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác từ Triển lãm Vietfood & Beverage - Propack 2023

Các nội dung thảo luận tập trung phân tích những thách thức và cơ hội, các triển vọng trong tương lai, từ đó đưa ra giải pháp nhằm phát triển các thị trường này. Những góc nhìn này kỳ vọng hỗ trợ hệ thống tài chính - ngân hàng, các công ty chứng khoán, cộng đồng doanh nghiệp nói chung… vượt thách thức, đón bắt cơ hội, mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc, phát triển.

Ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết, một môi trường đầu tư kinh doanh với rất nhiều biến số cần giải mã cả ở phạm vi toàn cầu và quy mô địa phương, từ cấp độ vĩ mô đến vi mô là điều quan sát được tại các nền kinh tể trên thế giới cũng như những gì mà cộng đồng doanh nghiệp đang được nếm trải.

Những yếu tố đan xen cần được mổ xẻ rõ ràng

Những lo lắng đó có là thái quá hay sự lạc quan có đến hơi sớm vẫn cần được cắt nghĩa và giải đáp. Ngoài ra, những hệ lụy của các xung đột địa chính trị khiến ở những chỗ này, tiền rẻ trở thành đắt và đắt hơn, trong khi tại nhiều nơi khác, dù tiền vẫn rẻ mà không được hào hứng hấp thụ cũng dẫn đến những băn khoăn trong cộng đồng.

Chỉ trong vòng một năm, khoảng thời gian khá ngắn ngủi với một chu kỳ kinh tế, chúng ta đã được tiếp nhận sự đảo chiều liên tục của những dòng chảy thông tin, dự báo và sự kiện. Những lo sợ về cơn bão lạm phát và bóng ma suy thoái ở các nền kinh tế lớn vẫn còn hiện hữu, nhưng bắt đầu được đan xen bằng những dòng chảy lạc quan, tích cực với sự hậu thuẫn của những dữ liệu thống kê cho thấy thực tế đang “không xấu như dự kiến”.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn, nhưng khả năng thích ứng, sức chống chịu đối với các cú sốc bên ngoài, cũng như năng lực cạnh tranh quốc tế còn hạn chế. Chúng ta đã chịu “tác động kép”, không chỉ từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài, mà còn từ những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm qua.

Tìm cơ hội, triển vọng kinh tế trong vòng “nước xoáy”
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: C.C

Tuy nhiên, theo ông Phương, điểm tích cực là xu thế kinh tế đang dần khả quan hơn. Các số liệu thống kê về sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn đầu tư công… đều cho thấy điều đó.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2023 đã tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước… Tính chung 7 tháng, thu hút đầu tư nước ngoài đã lần đầu tiên trong năm tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 16,24 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 195,4 tỷ USD, vẫn giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng xuất siêu trên 16,5 tỷ USD…

Những khó khăn đang dần được tháo gỡ

"Chính phủ đã tiếp tục tập trung tháo gỡ các vấn đề tồn đọng, vướng mắc, nhất là về thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, dự án đầu tư…, bước đầu tạo chuyển biến tích cực, giúp khơi thông dòng tiền, nguồn lực của nền kinh tế, củng cố thêm niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư".

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương