Tín dụng cho bất động sản - ngân hàng tháo gỡ trong thận trọng
Ngành ngân hàng cũng phải có chính sách khuyến mại tín dụng, đặc biệt dành cho các dự án bất động sản khả thi. Ảnh: TL

Doanh nghiệp vẫn còn nhiều “tâm tư”

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo các bộ ngành, địa phương nỗ lực vào cuộc, phối hợp thực hiện đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhất là các khó khăn vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp này đã có hiệu quả, tạo được những chuyển biến tích cực, nhất là việc giảm lãi suất cho vay và tín dụng cho bất động sản. Cụ thể là từ đầu năm 2023 đến cuối tháng 10/2023 đã có 10 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được khởi công với tổng số khoảng 19.853 căn. Trong giai đoạn này cũng đã có 20 tỉnh công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn là 25.884 tỷ đồng.

Tín dụng bất động sản chiếm hơn 21% tổng dư nợ

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến 30/9/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong đó, tín dụng bất động sản tập trung vào mục đích tiêu dùng/tự sử dụng chiếm 64% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 36% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản.

Tuy nhiên, tại Công điện 993/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Để tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tiếp tục vào cuộc để thực thi các giải pháp tiếp theo.

Trong đó, Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản; có giải pháp phù hợp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất; tiếp tục rà soát cắt giảm hơn nữa các thủ tục hành chính. Ngành Ngân hàng cũng phải có chính sách khuyến mại tín dụng, đặc biệt dành cho các dự án bất động sản khả thi, tạo động lực cho tăng trưởng.

Thực tế theo phản ánh, một số doanh nghiệp bất động sản mong muốn tiếp tục có sự phối hợp nhịp nhàng giữa ngân hàng và doanh nghiệp để tăng hiệu quả nguồn vốn. Ông Phạm Thiếu Hoa - Đại diện Tập đoàn Vingroup vẫn đề cập vấn đề vướng mắc về tài sản thế chấp khi cho biết, nhiều ngân hàng chỉ nhận tài sản thế chấp là bất động không nhận tài sản khác như cổ phiếu, máy móc thiết bị… Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bất động sản toàn cầu thì phản ánh tình trạng dự án chờ đợi hoàn thiện pháp lý rất lâu và cần rất nhiều loại giấy tờ. Do đó, ông Hiệp cho biết, ngân hàng nên “thoáng” hơn về danh mục hồ sơ để có thể đẩy nhanh thủ tục vay vốn.

Tìm giải pháp gỡ vướng

Tín dụng cho bất động sản - ngân hàng tháo gỡ trong thận trọng
Ảnh minh họa.

Trước những băn khoăn của các doanh nghiệp, phía ngân hàng cũng có những “thế khó” riêng. Chẳng hạn như theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, quá trình cấp tín dụng thời gian qua ngân hàng cũng nhận thấy có những rủi ro về hành chính. Ví dụ có trường hợp dự án được cơ quan hành chính cấp phép rồi, nhưng sau đó lại bị thu hồi giấy phép và vì thế ngân hàng khi thẩm định dự án cũng lại mất nhiều thời gian hơn trong việc đánh giá hồ sơ pháp lý.

Ngoài vấn đề thủ tục, đại diện một số ngân hàng cũng đề xuất, nên tính toán xem xét lại việc đánh giá hệ số rủi ro của các khoản cho vay bất động sản. Ông Phùng Quang Hưng - Phó Tổng Giám đốc Techcombank cho biết, hiện nay, hệ số rủi ro với dự án bất động sản là 200% cũng là dễ hiểu, nhưng cũng nên xem xét từng giai đoạn. Ví dụ, các dự án đã đầy đủ pháp lý thì có thể cho phép giảm hệ số rủi ro xuống thấp hơn để khuyến khích hơn cho các ngân hàng cấp tín dụng lĩnh vực này.

Mặc dù vậy, yếu tố an toàn tín dụng vẫn được các ngân hàng đề cao và theo đó, có ý kiến lãnh đạo ngân hàng cho biết, doanh nghiệp cũng phải tự nhìn lại mình, ngân hàng cho vay nhìn vào các doanh nghiệp và dự án thực sự an toàn, lành mạnh thì mới dám cho vay. “Chúng tôi thẩm định cho vay, nhìn vào hồ sơ doanh nghiệp nhiều lúc cũng thấy sợ, trường hợp như vậy để xem xét cho vay thực sự là rất khó” - ông này bộc bạch.

Về phía NHNN, đại diện cơ quan này cho biết, một trong giải pháp tháo gỡ những vướng mắc hiện nay là tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN. Ngoài ra, NHNN cũng sẽ rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 06/2023/TT-NHNN (về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng), từ đó sẽ ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn thị trường, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

ÔNG HOÀNG HẢI - CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ NHÀ VÀ THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN (BỘ XÂY DỰNG): Thị trường bất động sản xuất hiện nhiều điểm sáng

Tín dụng cho bất động sản - ngân hàng tháo gỡ trong thận trọng

Quan sát động thái thời gian qua cho thấy các địa phương đã cũng tích cực vào cuộc tháo gỡ khó khăn, đây là tín hiệu đáng mừng. Thị trường bất động sản ghi nhận lượng giao dịch có dấu hiệu tăng dần, thị trường đã bắt đầu xuất hiện nhiều điểm sáng. Nhiều dự án từng bị vướng pháp lý trước đây đã được tháo gỡ, số lượng dự án được cấp phép đầu tư đã tăng hơn. Với bối cảnh hiện nay, thực trạng sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản đã có biểu hiện được cải thiện, mặc dù cũng chưa hoàn toàn sung sức hẳn như thời kỳ thịnh vượng và quá trình phục hồi cũng sẽ phải từng bước.

Về nhà ở xã hội, hiện các địa phương cũng đã tập trung hơn thu hút đầu tư, có nhiều hơn các dự án nhà ở xã hội được cấp phép đầu tư, nguồn cung nhà ở xã hội theo đó sẽ tăng hơn trong tương lai. Hiện nay, phân khúc bất động sản khu công nghiệp vẫn hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và tôi cho rằng bất động sản khu công nghiệp sẽ tiếp tục hấp dẫn.

Về vốn cho bất động sản, thời gian qua NHNN đã tăng các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng hấp thụ của nền kinh tế, Bộ Tài chính cũng đã và đang tiếp tục thực hiện các giải pháp giúp thị trường trái phiếu phục hồi tốt.

BÀ HÀ THU GIANG - VỤ TRƯỞNG VỤ TÍN DỤNG CÁC NGÀNH KINH TẾ (NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC): Tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân

Tín dụng cho bất động sản - ngân hàng tháo gỡ trong thận trọng

Tín dụng bất động sản vẫn đang tăng trưởng cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung. Như vậy, có thể khẳng định, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp góp phần tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Tuy nhiên, trước tình hình nền kinh tế còn nhiều khó khăn, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như thu nhập của người dân đều bị ảnh hưởng, dẫn tới chất lượng tín dụng bất động sản cũng tiềm ẩn những rủi ro cần chú ý.

Về mặt an toàn hoạt động, nhu cầu tín dụng bất động sản thường là hạn trung và dài hạn, nên các tổ chức tín dụng cũng phải cân đối được kỳ hạn giữa huy động và cho vay phù hợp để đảm bảo kiểm soát rủi ro thanh khoản.

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, NHNN đề xuất các bộ, ngành, địa phương tiếp tục xử lý, giải quyết các vướng mắc về thủ tục pháp lý với lĩnh vực bất động sản.