Khai mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022: Tìm các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững Giải phóng các nguồn lực làm động lực cho tăng trưởng Nhà nước sẽ thu hồi chênh lệch địa tô từ chuyển đổi mục đích sử dụng đất Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Nộp tiền vào ngân sách mới giao đất

Gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng: Mới hỗ trợ được trên 13 tỷ đồng

Phát biểu trong phiên thảo luận bàn tròn tại Diễn đàn Kinh tế và xã hội Việt Nam 2022 về nội dung phối hợp linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN xác định điều hành chính sách tiền tệ năm 2022 nhằm đảm bảo mục tiêu quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Trong bối cảnh diễn biến của kinh tế, tài chính toàn cầu rất phức tạp nhưng lãi suất và tỷ giá ở trong nước tương đối ổn định.

Về tín dụng, Phó Thống đốc cho hay, tín dụng của năm 2022 đã tăng rất nhanh ngay từ đầu năm so với cùng kỳ. Đến giữa tháng 9, tín dụng đã tăng trên 10% so với mục tiêu 14% của năm 2022. Qua theo dõi của NHNN, nguồn vốn đã vào tập trung các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực rủi ro tiếp tục được kiểm soát.

Phạm Thanh Hà
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà

Xác định một trong những mục tiêu trọng tâm của năm 2022 là chương trình hỗ trợ lãi suất qua gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng, NHNN cũng đã triển khai sớm một loạt các biện pháp.

Trong đó, về hành lang pháp lý, NHNN đã phối hợp với các bộ và trình Chính phủ ban hành Nghị định 31 và cùng ngày, đã ban hành Thông tư 03 để hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai đến các đối tượng vay vốn. Tiếp đó, NHNN cũng đã thu thập thông tin đăng ký từ các ngân hàng thương mại để đề xuất cùng với các bộ về phân bổ ngân sách 40.000 tỷ đồng trong 2 năm. Theo đó, năm 2022 dự kiến sẽ phân bổ khoảng 16.000 tỷ đồng, sang năm 2023 dự kiến sẽ phân bổ 24.000 tỷ đồng còn lại.

Một số ý kiến bình luận cho rằng, gói hỗ trợ này có thủ tục rườm rà, các quy định còn phức tạp, song Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nêu rõ, đây là tiền ngân sách, các điều kiện thủ tục đã được thống nhất và khách hàng cũng phải tuân thủ để đảm bảo hồ sơ vay chặt chẽ, công bằng và minh bạch giữa các đối tượng.

Sau khi đã phân bổ ngân sách, NHNN cũng đã tiến hành triển khai, hướng dẫn các ngân hàng thương mại và đã ban hành bộ tài liệu giải đáp trên 20 vấn đề trong quá trình triển khai như về đối tượng, về phương thức, về cách đăng ký, về cách lập dự toán cũng như rút vốn hỗ trợ và quyết toán.

Đến nay, các ngân hàng thương mại đã triển khai gói hỗ trợ này trên thực tế, tuy nhiên kết quả còn khiêm tốn. Cụ thể dư nợ cho vay đến nay khoảng trên 4.400 tỷ đồng, với 550 khách hàng và số tiền lãi suất hỗ trợ là trên 13 tỷ đồng.

Giải thích thêm về con số này, Phó Thống đốc cho biết, hoạt động cho vay của hệ thống các ngân hàng thương mại vẫn diễn ra bình thường. Mặc dù Nghị định 31 và Thông tư 03 đã ban hành vào tháng 5 nhưng phạm vi hỗ trợ là từ ngày 1/1/2022, do đó theo đánh giá nhanh của NHNN, tổng số dư nợ có thể thuộc phạm vi của chương trình này khoảng 800 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc triển khai phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như khách hàng dù thuộc đối tượng nhưng có nhu cầu hỗ trợ thì phải lập hồ sơ và có đề nghị, ngân hàng thương mại sẽ xem xét và phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật. “Điều này không phụ thuộc vào room tín dụng còn hay hết vì chuyện cho vay là hoạt động bình thường của tổ chức tín dụng, ngoài hạn mức, yếu tố quan trọng là thẩm định khách hàng, thẩm định hồ sơ, khẩu vị rủi ro của ngân hàng…” - Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho hay.

Toàn cảnh
Toàn cảnh hội thảo

Có tâm lý e ngại từ ngân hàng cho vay

Cho rằng việc gói triển khai gói hỗ trợ chưa được như kỳ vọng, Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh còn có những khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết trong thời gian tới. Trong đó, NHNN đã xác định một số nhóm khó khăn, vướng mắc cần phải tập trung giải quyết.

Thứ nhất là về đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Trường hợp khách hàng không phải hoạt động đơn ngành mà đa ngành, đa lĩnh vực mà một trong những lĩnh vực đó thuộc ưu tiên thì có được hỗ trợ hay không. Hay có nhiều hộ gia đình là khách hàng vay vốn của ngân hàng thương mại nhưng lại không đăng ký kinh doanh, khi đối chiếu thì chưa đủ điều kiện đối tượng của chương trình.

Thứ hai là tiêu chí đánh giá là khách hàng phải có khả năng, có phương án sản xuất kinh doanh, có khả năng phục hồi. NHNN cho rằng có sự khác biệt giữa sự đánh giá, thẩm định của ngân hàng thương mại, ngân hàng cho vay với đánh giá về sau này của các cơ quan kiểm tra, thanh tra hay kiểm toán về thế nào là khách hàng có khả năng phục hồi.

Bên cạnh đó, khi đánh giá tính khả thi của dự án là tính thời điểm thẩm định dự án và quyết định giải ngân. Nhưng trong quá trình kinh doanh có rất nhiều biến cố dẫn đến phương án ban đầu khả thi, khách hàng ban đầu có khả năng trả được nợ, sau đó gặp rủi ro dẫn đến khó khăn trong trả nợ, vậy lúc đó có được coi là có khả năng phục hồi hay không…, ông Phạm Thanh Hà nêu vấn đề.

Những khó khăn này đã được NHNN nhận diện được và đề nghị các bộ liên quan cùng thống nhất theo hướng, khách hàng sẽ tự xác định ngành nghề kinh doanh của mình và khẳng định khách hàng thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Về đánh giá khả năng phục hồi, ngân hàng cho vay sẽ là người đánh giá chính và khẳng định được khách hàng có khả năng phục hồi hay không để thuộc đối tượng để hỗ trợ lãi suất.

Về vấn đề được nêu tại diễn đàn là có tâm lý e ngại từ phía ngân hàng cho vay, Phó Thống đốc NHNN giải thích là do trước đây, có một số gói hỗ trợ lãi suất đã triển khai và cũng có khó khăn nhất định trong chuyện giải ngân, đặc biệt là khâu quyết toán nên các ngân hàng cho vay có tâm lý e ngại.

Bên cạnh đó, còn có yếu tố tâm lý từ phía khách hàng. Dư nợ có thể được hỗ trợ khoảng 800 nghìn tỷ đồng nhưng thực tế đã triển khai khoảng 4.400 tỷ đồng, nên có khoảng cách nhất định giữa khả năng được hỗ trợ và thực tế. Điều này một phần phụ thuộc vào mong muốn của khách hàng có muốn hỗ trợ hay không.

Giải ngân thấp do doanh nghiệp khó đáp ứng được các điều kiện cho vay

Theo nhóm Tư vấn chính sách của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc tiếp cận nguồn vốn rẻ với chính sách hỗ trợ lãi suất 2% khá khó khăn do doanh nghiệp khó đáp ứng được các điều kiện cho vay. Có doanh nghiệp không được giải ngân vì không có tài sản thế chấp, trong khi ngân hàng kiên quyết không hạ chuẩn cho vay. Có hộ kinh doanh dịch vụ thu nhập thấp, song không thể tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, vì lý do tỉnh đó chưa quy định mức thu nhập bao nhiêu là thấp. Hoặc một số hộ kinh doanh tuy là đối tượng thực sự khó khăn nhưng khó tiếp cận chính sách vay hỗ trợ lãi suất 2% do điều kiện phải có giấy phép đăng ký kinh doanh. Một nguyên nhân nữa khiến khách hàng vay vốn e ngại là tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất sẽ phải làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền.