Ảnh tư liệu. |
Các trường hợp được hỗ trợ gồm có: người có đất thu hồi được hưởng chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề trong thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai 2024; các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.
Người có đất thu hồi được hỗ trợ các chính sách một lần thông qua đào tạo nghề ở trình độ trung cấp, cao đẳng với 8 ngành, nghề đào tạo, được hỗ trợ mức trần học phí từ hơn 1,2-2,2 triệu đồng/người/tháng; trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng có mức hỗ trợ theo chi phí thực tế và tối đa là 3 triệu đồng/người/khóa học; người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có mức hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học; người khuyết tật có mức hỗ trợ tối đa 6 triệu đồng/người/khóa học.
Người có đất thu hồi cũng được mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học; mức hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học (nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên); người khuyết tật được nhận mức hỗ trợ tiền đi lại là 300.000 đồng/người/khóa học (nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5km trở lên).
Đối với chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm, người có đất thu hồi được tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm miễn phí; được vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm tối đa là 100 triệu đồng/lao động từ Quỹ quốc gia về việc làm hay Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi; 10 triệu đồng/lao động hoặc 30 triệu đồng/hộ đối với nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo (trường hợp là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo).
Đặc biệt, người dân còn được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với mức chi hỗ trợ về đào tạo nghề theo quy định; đào tạo ngoại ngữ theo chi phí thực tế (mức hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học): bồi dưỡng kiến thức cần thiết tối đa 530.000 đồng/người/khóa học.
Ngoài ra, người dân có đất thu hồi còn có tiền ăn, chi phí đi lại, chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài... hỗ trợ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...
UBND TP. Hồ Chí Minh cũng ban hành quy định mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo đó, mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm được phân thành 3 khu vực, trong đó khu vực I (gồm Quận 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận); khu vực II (gồm Quận 7, 8, 12, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, thành phố Thủ Đức); khu vực III (gồm huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ).
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, trên cơ sở mức hỗ trợ, đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện đưa mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với những trường hợp này vào phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tính tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp đối với các trường hợp đủ điều kiện hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.
Việc áp dụng mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm không được vượt quá 5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất của địa phương.
Mức hỗ trợ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm được áp dụng thống nhất, đảm bảo có sự tương đồng giữa các vị trí, loại đất và khu vực tại TP. Hồ Chí Minh được áp dụng theo hạn mức giao đất nông nghiệp tại Điều 176 Luật Đất đai năm 2024./.