TP. Hồ Chí Minh: Bàn phương án điều chỉnh, thích ứng linh hoạt với cấp độ dịch Covid -19

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: CTV

Số F0 cách ly tại nhà có xu hướng tăng

Thông tin về tình hình dịch bệnh, Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết, trong 7 ngày vừa qua, một số địa phương trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có số F0 tăng cao, cụ thể là huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, TP. Thủ Đức, quận 12, quận Gò Vấp. Ghi nhận trong 3 ngày gần đây, huyện Bình Chánh và Hóc Môn là 2 nơi có nhiều trường hợp dương tính Covid -19.

“Phân tích biểu đồ diễn tiến ca bệnh Covid -19 tại các quận, huyện có thể thấy, số F0 tại Bình Chánh có chiều hướng tăng và đang đi ngang trong thời gian gần đây. Hóc Môn có giai đoạn đạt đỉnh cao và hiện tại có tín hiệu đi xuống. Riêng Bình Tân và Gò Vấp vẫn đang ở mức cao và nằm ngang. Các địa phương có số ca không cao nhưng có xu hướng tăng bao gồm quận 10 và huyện Nhà Bè”- Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết.

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, đối với tình hình thu dung, điều trị tại TP. Hồ Chí Minh, tính từ ngày 1/10 - 12/11, số F0 cách ly tại nhà có xu hướng tăng, các ca chuyển nặng cần nhập viện có xu hướng giảm và ở mức thấp. Ngoài ra, số trường hợp thở máy xâm lấn duy trì ở mức ổn định, các ca thở máy không xâm lấn và thở oxy có xu hướng giảm nhẹ.

“Số ca cách ly tại nhà đang có chiều hướng tăng trong khi trường hợp tại cơ sở cách ly tại quận, huyện giảm dần vì thành phố đang thu hẹp các cơ sở này. Do đó, Sở Y tế kiến nghị, Ban Chỉ đạo sớm triển khai lại các khu cách ly quận, huyện và có thêm bệnh viện dã chiến để sẵn sàng thu dung, điều trị F0” - ông Tăng Chí Thượng đề xuất.

Phân tích tình hình tử vong do Covid -19, theo lãnh đạo Sở Y tế, số ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh dao động trong khoảng 40 ca/ngày. Trong đó, trường hợp tử vong trên 65 tuổi chiếm 52%, tử vong do Covid -19 kèm bệnh nền chiếm 85%. TP.Thủ Đức, quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh, quận Tân Bình, quận 12 là các địa phương có số ca tử vong cao nhất trong 3 ngày qua (số liệu tính từ 10/11 - 12/11/2021).

Liên quan đến các giải pháp can thiệp, thành phố (TP) đã ra mắt Đội đặc nhiệm kiểm dịch cùng Tổ chuyên trách điều phối Trạm y tế lưu động; phát hành tờ rơi “Những điều cần biết cho F0 cách ly tại nhà” gửi đến các quận, huyện; thống nhất với Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam, Hội thầy thuốc trẻ TP kích hoạt lại mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”; đề xuất UBND chấp thuận cơ chế chính sách củng cố, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở.

Bên cạnh đó, triển khai quy định giá dịch vụ xét nghiệm theo Thông tư 16/2021/TT-BYT của Bộ Y tế, đề xuất UBND TP về giá dịch vụ xét nghiệm không thuộc phạm vi thanh toán quỹ BHYT; có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc quản lý, điều hành hoạt động của các bệnh viện dã chiến và các đơn vị thu dung F0 đặt tại các khu công nghiệp trực thuộc UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện; tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các phường, xã trên địa bàn…

Đề xuất tất cả hàng, quán được phục vụ thức uống có cồn

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Công thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, khoảng 60% doanh nghiệp, cơ sở phục vụ ăn uống trên địa bàn TP đã mở cửa hoạt động lại sau ngày 1/10. Về việc thí điểm sử dụng thức uống có cồn tại các quán ăn ở TP. Thủ Đức và quận 7, 2 địa phương này đã triển khai tốt công tác kiểm tra, giám sát và không để phát sinh các vấn đề tiêu cực. Đồng thời, 2 đơn vị cũng đề xuất cho phép mở rộng và kéo dài thời gian thực hiện hoạt động trên.

Xét các yếu tố về bao phủ vắc - xin, sức khỏe tinh thần, Sở Công thương đã lấy ý kiến của một số chuyên gia. Từ đó nhận thấy, việc ngồi cùng bạn bè cũng là cách thức giải tỏa căng thẳng, tác động tiêu cực từ dịch bệnh.

Do vậy, lãnh đạo Sở Công thương kiến nghị UBND TP xem xét, cho phép các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống có sử dụng thức uống có cồn trên địa bàn TP được hoạt động trở lại trong điều kiện có kiểm soát cụ thể, đáp ứng Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid -19. Cụ thể, khách hàng phải tiêm đủ 02 mũi vắc - xin; cơ sở kinh doanh hoạt động tối đa 50% công suất, đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày;… UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức được giao xem xét, đánh giá, quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho phép hoạt động kinh doanh có sử dụng đồ uống có cồn trên địa bàn.

Đồng tình với Sở Công thương, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Ánh Hoa cho rằng, với nguyên tắc “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19”, đồng thời ý thức của người dân và doanh nghiệp cũng tăng cao, TP. Hồ Chí Minh có thể đánh giá theo cấp độ dịch và mở cửa có lộ trình đối với các hoạt động ăn uống kèm theo hoạt động ăn uống có sử dụng đồ uống có cồn./.

Thời điểm này, thành phố nên tiếp tục cho thí điểm mở rộng và có kiểm soát hoạt động sử dụng thức uống có cồn tại hàng quán. Tức là, mở rộng, thí điểm thêm ở một số quận, huyện và có kiểm soát chặt, tuân thủ nghiêm Bộ tiêu chí đánh giá an toàn và biện pháp phòng, chống dịch - Lãnh đạo Sở Y tế đề xuất.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)