Chia sẻ với phóng viên của TBTCVN, ông Phạm Quang Anh - CEO Công ty May mặc Dony, cho biết, ngay trong tháng 12, công ty đã ký kết 1 đơn hàng rất lớn xuất khẩu 110 nghìn áo thun (khoảng 5 container) đi châu Phi. Hiện công ty đang tăng tốc tập trung chạy đơn hàng này để đủ số lượng xuất đi.
“Đây là kết quả không ngờ tới bởi nghề may mặc có tính chất đặc thù về giá nhân công, nên thường sẽ xuất khẩu từ những thị trường có giá nhân công thấp đến những thị trường có giá nhân công cao. Tuy nhiên, trường hợp này là ngược lại, vì châu Phi là tập hợp các nước có thu nhập không cao” – ông Quang Anh chia sẻ.
![]() |
Nhiều doanh nghiệp tăng tốc các đơn hàng cuối năm. Ảnh: Nguyễn Lạc |
Ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10 cũng cho biết, năm 2024 là năm khá đặc biệt. Bởi mọi năm, doanh nghiệp sẽ phải lo lắng nguồn hàng, đặc biệt là nguồn hàng xuất khẩu, nhưng năm nay gần như trọn vẹn, công ty không phải lo lắng về thị trường mà chỉ tập trung sản xuất các sản phẩm đạt chất lượng cao nhất để đáp ứng yêu cầu của khách hàng nhập khẩu.
“Hiện May 10 nhận được nhiều đơn hàng đồng phục, như sơmi nam, quần âu nam và veston nam. Do vậy, doanh nghiệp phải huy động mọi nguồn lực để tăng năng suất lao động cũng như có thể huy động công nhân làm thêm giờ để hoàn thành và cán đích mục tiêu đề ra” - ông Việt nói.
Đại diện Công ty Dệt may Thành Công chia sẻ, năm nay bên cạnh những sản phẩm truyền thống, Dệt may Thành Công đang đẩy mạnh nhóm sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm tái chế và có giá trị cao nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng các thị trường còn nhiều dư địa, tìm kiếm thị trường mới, đồng thời đẩy mạnh thị trường nội địa. Tình hình xuất khẩu dệt may đang khả quan trong dịp cuối năm nhờ vào mức độ tiếp nhận đơn hàng.
Đóng góp vào sự tăng trưởng này của ngành dệt may, theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), các hiệp định thương mại tự do đang đóng góp lớn vào sức tăng trưởng của ngành.
Theo ông Giang, nhiều thị trường xuất khẩu mới nổi như Trung Đông, châu Phi đã được các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận để mở rộng thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp dệt may trong nước đã nhạy bén, linh hoạt trong chuyển đổi mô hình, sản phẩm, làm những đơn hàng nhỏ có tính kỹ thuật cao.
Chủ tịch Vitas cho biết thêm, năm 2025 ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 47 - 48 tỷ USD. Đây là con số có sự tính toán và nghiên cứu kỹ lưỡng về xu thế đơn hàng. Hiện nhiều doanh nghiệp dệt may đã ký kết đơn hàng hết quý I/2025, thậm chí có doanh nghiệp đã ký kết tới hết quý II/2025.
Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã tạo ra cơ hội lớn cho dệt may Việt Nam tiếp cận các thị trường mới như Canada, Australia, New Zealand và cũng giúp doanh nghiệp thích ứng với cách thức mua hàng của nhà nhập khẩu trong khối, tạo ra sự tăng trưởng rất rõ khi xuất khẩu sang các nước nội khối, đặc biệt là châu Mỹ. |