TP. Hồ Chí Minh dùng biện pháp mạnh

Giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 32% kế hoạch

Năm 2023, TP. Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ giao giải ngân khoảng 70.500 tỷ đồng vốn đầu tư công, sau được điều chỉnh còn gần 68.500 tỷ đồng. Tính đến ngày 6/10, thành phố mới giải ngân được 22.014 tỷ đồng, đạt 32% kế hoạch, khá thấp so với mục tiêu đề ra từ đầu năm.

Theo phân tích của UBND TP. Hồ Chí Minh, có 1.807 dự án đã được các chủ đầu tư xác định sẽ giải ngân đạt 95% kế hoạch vốn đầu tư được giao (gần 28.000 tỷ đồng). Trong đó: có 288 dự án đã giải ngân được 5.772 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,59%; 233 dự án dự kiến giải ngân dưới 95%, với số vốn dự kiến không giải ngân được trong năm 2023 là 19.508 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 28,4%.

Trong số này, có 4 dự án với số vốn giao 45 tỷ đồng dự kiến không giải ngân do UBND các địa phương chậm phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc thực hiện điều chỉnh quy hoạch; 9 dự án thuộc trường hợp các chủ đầu tư phải thực hiện xử lý dứt điểm các trường hợp nhà thầu không đủ năng lực tiếp tục thực hiện, với số vốn giao 500 tỷ đồng. Số vốn dự kiến không giải ngân là 416 tỷ đồng.

Đối với 38 dự án được Ban Thường vụ Thành ủy giám sát (6 dự án đầu tư PPP không sử dụng vốn ngân sách thành phố và 32 dự án đầu tư công được bố trí từ ngân sách thành phố, với tổng số vốn là 48.407 tỷ đồng, chiếm 70% tổng số kế hoạch năm 2023 của thành phố) thì số vốn đã giải ngân trong 9 tháng năm 2023 là 16.716 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 35% và kế hoạch giải ngân dự kiến đến hết năm là 31.562 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 65,2%. Trong số này, có 14 dự án dự kiến giải ngân đạt trên 95%.

Nguyên nhân giải ngân đầu tư công chậm chủ yếu là do khó khăn trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chậm thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch; nhà thầu thi công không đủ năng lực; giá trị quyết toán thực tế dự án thấp hơn dự kiến đăng ký vốn của các chủ đầu tư; chậm thực hiện thủ tục quyết toán dự án; chậm thực hiện thủ tục khác có liên quan; nguyên nhân chủ quan từ các chủ đầu tư…

Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, chính quyền thành phố đã thực hiện một loạt các giải pháp như: điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án giải ngân tốt; tổ chức rà soát tiến độ giải ngân các dự án để có chế tài xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan, khi chưa thực hiện tốt công tác này.

Phấn đấu đạt từ 80% kế hoạch trở lên

Cụ thể hơn về các giải pháp tăng hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã thành lập 13 đoàn để tháo gỡ vướng mắc và tập trung điều hành quyết liệt công tác giải ngân vốn đầu tư công; đã đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy, các cấp ủy quan tâm lãnh đạo cụ thể từng nội dung và có kiểm tra tiến độ thường xuyên với tỷ lệ giải ngân, nếu không đạt trên 95% thì cũng không được thấp hơn 80%; đồng thời yêu cầu các địa phương có dự án đủ điều kiện giải ngân trong năm phải mạnh dạn đăng ký để bố trí vốn…

Chia sẻ về các giải pháp tăng hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh sự nỗ lực từ tất cả các bên, HĐND thành phố sẽ tiếp tục ra những nghị quyết kịp thời về thủ tục, pháp lý để hỗ trợ cho công tác giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian còn lại của năm nay và kế hoạch đầu tư cho năm tới. Cuối năm nay, thành phố sẽ khen thưởng tổ chức, cá nhân thực hiện tốt, đúng tiến độ công tác đầu tư công; đồng thời phê bình, quy trách nhiệm, có chế tài nghiêm khắc đối với tổ chức, cá nhân thực hiện không tốt công tác này, nếu nguyên nhân do chủ quan hoặc không triển khai thực hiện công việc đúng tinh thần chỉ đạo...

Ban Cán sự Đảng UBND thành phố cần sớm ra một văn bản, trong đó nêu cụ thể, rạch ròi những giả định, quy định, chế tài cụ thể trong thời gian 70 ngày còn lại đối với từng sở, từng ngành, người đứng đầu. Trong đó, quy định rõ nếu từng sở, ngành, địa phương, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ thì phải chịu trách nhiệm như thế nào.

‘‘Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tiếp tục đặt trách nhiệm cao nhất từ đây đến cuối năm đối với nhiệm vụ giải ngân đầu tư công, vì lĩnh vực này không chỉ giúp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao an sinh xã hội và cuộc sống người dân’’ - ông Nguyễn Văn Nên nói.

Siết chặt kỷ luật kỷ cương thực hiện đầu tư công

Theo Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ, từ thực tế có 34/60 đơn vị chủ quản, chủ đầu tư và 17/22 địa phương giải ngân thấp hơn 51% (mức bình quân chung cả nước), 18 đơn vị chủ quản, chủ đầu tư chưa giải ngân, phải siết chặt kỷ luật kỷ cương trong thực hiện công tác đầu tư công bằng nhiều giải pháp mạnh như kiên quyết không giao nhiệm vụ chủ đầu tư, quản lý dự án cho các đơn vị không đảm bảo tiến độ công tác giải ngân và hiệu quả dự án.