a tuyen

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cam kết ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động. Ảnh Đ.Doãn

Cùng hướng đến cuộc sống chất lượng, văn minh

Sáng ngày 11/10 tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) đã tổ chức “Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh 2017”. Hội nghị do ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP chủ trì, đã thu hút gần 1.000 DN trong và ngoài nước tham dự.

Phát biểu khai mạc, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết, năm 2013, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội TP.Hồ Chí Minh đến 2020, tầm nhìn 2025 với quan điểm phát triển dựa trên nền tảng phát triển bền vững, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nâng cao nhận thức dân cư, gắn với bảo vệ môi trường.

Quan điểm phát triển trên được cụ thể hóa thành mục tiêu xây dựng TP. Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, sớm trở thành một trong những trung tâm lớn vế kinh tế, tài chính, thương mại và khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á.

Nhiều chỉ tiêu được đề ra như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt từ 8,5%/năm; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Trong đó tỷ trọng ngành dịch vụ trong GRDP đến năm 2020 chiếm 56 - 58%; tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GDRP bình quân hàng năm từ 35% trở lên; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 30% GRDP. Đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người đạt 9.800 USD/người/năm.

nha dau tu ngoai
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến các dự án gọi vốn của tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Đ.Doãn

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, TP. Hồ Chí Minh tập trung kêu gọi đầu tư vào 9 nhóm ngành dịch vụ gồm: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; du lịch; vận tải, cảng và kho bãi; bưu chính, viễn thông, thông tin và truyền thông; kinh doanh tài sản bất động sản; tư vấn; khoa học công nghệ; y tế; giáo dục đào tạo và 4 ngành công nghiệp trọng yếu là cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa chất - nhựa - cao su; chế biến tinh lương thực thực phẩm.

Bên cạnh đó, TP chuyển dịch cơ cấu kinh tế lĩnh vực nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị. Thành phố cũng quyết tâm triển khai 7 chương trình đột phá được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần X đề ra, gồm: Nâng cao chất lượng tăng trưởng; nâng cao chất lượng cạnh tranh của kinh tế TP trong thời kỳ hội nhập; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách hành chính; giảm ùn tắc và tai nạn giao thông; giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, giảm ô nhiễm môi trường; chỉnh trang và phát triển đô thị.

toan canh
Hội nghị thu hút trên 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự. Ảnh Đ.Doãn

Các chương trình ưu tiên đầu tư

Tại hội nghị, các đại biểu cũng được ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC giới thiệu tổng quan về tình hình đầu tư và các chính sách thu hút đầu tư của TP; đại diện ngân hàng UOB giới thiệu các sản phẩm hỗ trợ DN; đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị, đại diện các khu công nghiệp, khu chế xuất giới thiệu chính sách ưu đãi đầu tư và mời gọi các DN trong nước và nước ngoài cùng hợp tác.

Đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc TP cũng nêu ra các chương trình ưu tiên chiến lược đầu tư như tập trung cho các khu đô thị mới gồm: Khu công nghệ cao tại quận 9; khu đô thị mới Thủ Thiêm quận 2 (737 ha); khu đô thị mới nam TP. Hồ Chí Minh; khu đô thị mới Nam Thanh Đa; khu đô thị Tây bắc thành phố (6.000 ha); khu đô thị cảng Hiệp Phước - huyện Nhà Bè (3.900 ha, trong đó diện tích sông rạch khoảng 1.000 ha); khu trung tâm hiện hữu mở rộng (930 ha).

Chương trình chống ngập và vệ sinh môi trường có dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè; dự án cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé – Kênh Đôi – Kênh Tẻ; dự án cải thiện môi trường TP - Tiểu dự án rạch Hàng Bàng; dự án nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm.

Các chương trình bảo tồn có một số dự án gồm khu vực bảo tồn kiến trúc cổ trên địa bàn quận 1 và quận 3 (Bưu điện TP, Bảo tàng lịch sử Việt Nam, trụ sở UBND TP, Bảo tàng TP, Bệnh viện Mắt); dự án Rừng ngập mặn Cần Giờ.

toan canh
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh Đ.Doãn

Các chương trình nhà ở xã hội gồm: Khu chung cư Đông Hưng quận 12; khu chung cư 99 Bến Bình Đông; khu chung cư Bàu Cát – Tân Bình; khu chung cư Tân Mỹ – Tân Bình; ký túc xá Đại học Bách Khoa; ký túc xá Đại học Quốc gia; khu lưu trú công nhân và nhà ở thu nhập thấp Tân Nhựt – Bình Chánh; nhà ở công nhân Công ty Giày Huê Phong.

Theo ông Phạm Thiết Hòa, có tất cả 133 dự án kêu gọi đầu tư trong năm nay, gồm 116 dự án xã hội hóa, 11 dự án quốc gia, 6 dự án thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong 116 dự án xã hội hóa có 64 dự án hạ tầng giao thông, 5 dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, 7 dự án giảm ngập nước, 3 dự án nông nghiệp, 1 dự án công nghiệp, 4 dự án thương mại dịch vụ, 21 dự án chỉnh trang đô thị và xây dựng nhà ở tái định cư, 6 dự án giáo dục, 1 dự án y tế, 4 dự án văn hóa thể thao.

“Trong 11 dự án quốc gia có 9 dự án hạ tầng giao thông, 1 dự án giáo dục đào tạo và 1 dự án y tế. Còn trong khu đô thị mới Thủ Thiêm có 6 dự án kêu gọi vốn đầu tư, gồm 1 dự án khách sạn nghỉ dưỡng đô thị, 4 dự án xây dựng trường học tiêu chuẩn quốc tế và 1 dự án xây dựng nhà hát nghệ thuật tổng hợp” – ông Hòa nói./.

Đỗ Doãn