TP. Hồ Chí Minh: Tăng hiệu quả phối hợp hải quan - biên phòng trong chống buôn lậu

Lãnh đạo lực lượng hải quan và bộ đội biên phòng tại hội nghị tổng kết 5 năm công tác phối hợp diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đỗ Doãn

Cùng phát hiện và xử lý hàng chục vụ buôn lậu

Đánh giá kết quả công tác phối hợp giữa Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Tổng cục Hải quan tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Thượng tá Trịnh Hoàng Hùng - Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP. Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện quy chế phối hợp và căn cứ tình hình hoạt động tại mỗi đơn vị, hai bên đã thống nhất xây dựng, ban hành Kế hoạch số 84/KH-BCHBĐBP-HQTPHCM ngày 17/1/2020.

Từ kế hoạch này, hai lực lượng đã có hình thức trao đổi, cung cấp thông tin rất đa dạng, như trao đổi trực tiếp tại các cuộc họp giao ban định kỳ, qua văn bản, điện thoại, công tác tuần tra, nắm tình hình... trong từng vụ việc cụ thể. Kết quả là hai bên đã trao đổi thông tin và phối hợp xác minh trên 37 nguồn tin liên quan đến hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hoá trái phép và nhiều thông tin có giá trị để thu thập, củng cố hồ sơ nghiệp vụ phục vụ cho kế hoạch, chuyên án.

Hai bên cũng đã xây dựng và triển khai 15 kế hoạch trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển hàng hóa trái phép; 12 kế hoạch chuyên ngành phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại.

Đối với công tác kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, hành lý của hành khách xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu cảng, thông qua hoạt động nghiệp vụ, hai bên phối hợp kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu; xử lý các vụ việc liên quan đến buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tổng số 22 vụ, với 33 container chứa hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật (chủ yếu là hàng hóa nhập khẩu trái phép), 1 tàu biển, 5 sà lan với 27 tổ chức, cá nhân vi phạm…

Theo nhận định của Thiếu tướng Lê Văn Phúc - Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, công tác triển khai quy chế phối hợp của hải quan và lực lượng biên phòng TP. Hồ Chí Minh đã góp phần giúp hai đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; giữ vững an ninh kinh tế, an ninh chính trị trên địa bàn.

Cần đổi mới công tác phối hợp để tăng hiệu quả chống buôn lậu

Ghi nhận tại Hội nghị kiểm tra, đánh giá kết quả công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ theo Quy chế phối hợp hoạt động số 3929/QC-BĐBP-TCHQ ngày 4/9/2019 giữa Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Tổng cục Hải quan tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho thấy, hiệu quả phối hợp giữa hai lực lượng chưa được cao, do một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại. Cụ thể như: địa bàn quản lý rộng, nhân lực mỏng; thiếu phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật cần thiết trong công tác nghiệp vụ dẫn đến hạn chế trong công tác phối hợp; cơ chế, chính sách pháp luật còn nhiều bất cập, chưa kịp thời điều chỉnh, bổ sung để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công chức, chiến sỹ thi hành nhiệm vụ…

Thách thức từ tội phạm công nghệ cao

Thực tế hiện nay cho thấy, vấn đề đấu tranh ngăn chặn tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy ngày một phức tạp, mang tính quốc tế, sử dụng thiết bị công nghệ cao, đặt ra không ít thách thức cho các lực lượng, trong đó trực tiếp là lực lượng hải quan và bộ đội biên phòng, nên rất cần sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa hai lực lượng để tạo sức mạnh chung trong công tác phòng chống tội phạm.

Thêm vào đó, Luật Biên phòng Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 thay thế Pháp lệnh Bộ đội biên phòng số 02/1997/PL-UBTVQH9 ngày 28/3/1997, nên cần đưa luật này vào quy chế sửa đổi hoặc quy chế phối hợp mới cho phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài ra, cũng cần lưu ý trong giai đoạn phát triển của khoa học công nghệ như hiện nay, các đối tượng tội phạm công nghệ cao thường lợi dụng thành tựu phát triển, hội nhập quốc tế, cơ chế, phương thức quản lý tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh… đang và sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Đánh giá về kết quả 5 năm phối hợp giữa hai lực lượng, ông Lưu Mạnh Tưởng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam nhấn mạnh, nhiều vụ việc buôn lậu, vận chuyển ma túy đã được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Tuy nhiên, từ thực tế triển khai nhiệm vụ giữa hai bên cho thấy, công tác trao đổi thông tin, dự báo tình hình giữa các đơn vị chưa nhiều, chất lượng tin còn hạn chế, nhất là phối hợp trao đổi, thông tin về chống buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới; công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế… nên cần khắc phục trong thời gian tới.

‘‘Mục tiêu cuối cùng là tạo thuận lợi thương mại, thu hút đầu tư; đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn ở cửa khẩu; phòng, chống buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới một cách hiệu quả’’ – ông Tưởng nói.