Cụ thể hơn về công tác kiểm tra sau thông quan (KTSTQ), theo báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 10/2022 của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, Chi cục KTSTQ đã lập 66 phiếu đề xuất thu thập thông tin và tham mưu Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh tiến hành 36 cuộc KTSTQ.

Kiểm tra hàng hóa thông quan tại cảng Cát Lái, TP. Thủ Đức. Ảnh Đỗ Doãn
Kiểm tra hàng hóa thông quan tại cảng Cát Lái, TP. Thủ Đức. Ảnh Đỗ Doãn

Trong đó, 29 cuộc kiểm tra theo kế hoạch của chi cục (theo dấu hiệu vi phạm và quản lý rủi ro) và 7 cuộc kiểm tra theo kết luận thanh tra, kiểm toán nhà nước. Kết quả là đơn vị đã hoàn thành được 25 cuộc kiểm tra với số tiền thuế thu nộp ngân sách nhà nước hơn 5,7 tỷ đồng, tăng đột biến 138% so với tháng trước.

Lũy kế 10 tháng, Chi cục KTSTQ đã lập 708 phiếu đề xuất thu thập thông tin và tham mưu Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh tiến hành 294 cuộc KTSTQ. Trong đó, đã thực hiện được 213 cuộc với tổng số tiền thuế thu nộp ngân sách nhà nước hơn 61,9 tỷ đồng, đạt 88% kế hoạch và tăng 150% so với cùng kỳ năm 2021 (đạt 24,8 tỷ đồng). Đối với cấp chi cục, sau 10 tháng, đã có 510 cuộc KTSTQ phát sinh tại các chi cục trực thuộc Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, với tổng số tiền thuế ấn định là hơn 7,8 tỷ đồng.

Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, 2 vụ điển hình trong công tác kiểm tra sau thông quan là vụ ấn định thuế đối với Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts do chưa thực hiện đúng việc khai báo việc sử dụng, quản lý, sử dụng nguyên phụ liệu nhập khẩu để gia công hàng xuất khẩu với số tiền thuế ấn định hơn 1,4 tỷ đồng. Kế đến là vụ ấn định thuế Công ty Cổ phần Dược phẩm Khánh Hòa do khai sai mã số thuế nhập khẩu mặt hàng nguyên liệu sản xuất tân lược, với số tiền thuế ấn định 621 triệu đồng.