Tháo ‘‘điểm nghẽn’’ hạ tầng, tăng kết nối đào tạo nhân lực

Tại hội nghị liên quan đến vấn đề phát triển logisitcs vừa diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh, các chuyên gia kinh tế đều nhìn nhận TP. Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều thuận lợi về thương mại và vận tải quốc tế khi hội nhập kinh tế quốc tế liên tục được mở rộng. Cụ thể, với quy mô thị trường hơn 12 triệu người, TP. Hồ Chí Minh vừa là thị trường tiêu thụ, vừa là trung tâm phân phối hàng hóa lớn nhất nước. TP. Hồ Chí Minh cũng đồng thời vừa có các tuyến hàng hải trọng yếu, vừa có hậu phương đất liền thuận lợi, kết nối, lưu chuyển hàng hóa đa phương thức với nhiều nước. Vì vậy, rất cần sự quan tâm đầu tư kịp thời cho lĩnh vực logistics để TP. Hồ Chí Minh có thể duy trì và phát huy được thế mạnh, đóng góp lớn hơn cho phát kinh tế và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nguồn: UBND TP. Hồ Chí Minh. Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: UBND TP. Hồ Chí Minh. Đồ họa: Văn Chung

Theo bà Phan Thị Thắng – Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, hạ tầng logistics đang trở thành một điểm nghẽn do vướng mắc ở hệ thống đường giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, đặc biệt là các tuyến đường vành đai kết nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông - Tây Nam bộ triển khai còn chậm. Giao thương hàng hóa hai chiều vì thế còn chưa tương xứng với tiềm năng. TP. Hồ Chí Minh là nơi tập trung đến 54% tổng số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp của cả nước, là môi trường hành nghề logistics lớn nhất nước, cung cấp nhân lực logistics cho nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Trong khi đó, chất lượng nguồn nhân lực logistics cũng chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, tính đến thời điểm hiện tại, TP. Hồ Chí Minh chưa có một trung tâm logistics đúng nghĩa, mà mới chỉ có trung tâm logistics khu công nghệ cao (6 ha) đang trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư để triển khai xây dựng. Các trung tâm logistics còn lại chủ yếu ở giai đoạn lập quy hoạch phân khu (1/2000). Trong khi đó, các dự án tương tự trung tâm logistics như kho lạnh ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, kho thương mại điện tử ở Củ Chi… đang được các doanh nghiệp triển khai xây dựng.

Phát triển logistics theo 3 trụ cột chính

Trong bối cảnh như vậy, TP. Hồ Chí Minh đã đặt mục tiêu phải phát triển logistics trở thành một ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Chia sẻ về định hướng phát triển ngành này cho xứng với tiềm năng và quy mô của một thành phố lớn nhất nước như TP. Hồ Chí Minh, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển ngành logistics TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2025 - 2030 đã nêu rõ 6 giải pháp, trong đó phát triển hệ thống trung tâm logistics là cấp thiết. Bởi hiện nay các trung tâm của TP. Hồ Chí Minh đều phát triển tự phát, chưa có sự phối hợp công - tư nên chưa có trung tâm logistics nào đủ tầm. "TP. Hồ Chí Minh cần đầu tư 7 trung tâm logistics theo hình thức kêu gọi đầu tư. Trong đó, thành phố Thủ Đức có 3 trung tâm logistics ở các khu gần cảng Long Bình, cảng Cát Lái, khu công nghệ cao... phải hoàn thành tất cả thủ tục tư vấn, kêu gọi đầu tư vào năm 2023. Cùng với đó là đẩy mạnh liên kết vùng, với các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh... TP. Hồ Chí Minh cần nhiều đơn vị tư vấn để triển khai tốt nhất hoạt động của các trung tâm logisics" - ông Bùi Tá Hoàng Vũ nói.

Logistics TP. Hồ Chí Minh có tiềm năng tăng trưởng lớn

Theo ông Đinh Ngọc Thắng – Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, có nhiều cơ sở để ngành logistics TP. Hồ Chí Minh phát triển mạnh như vị trí thuận lợi, có cảng nước sâu và có thể kết nối tốt các khu vực, có nhiều khu công nghiệp, khu công nghệ cao cùng với nhiều hiệp định đã ký kết với khả năng thu hút 260 tỷ USD trong thời gian tới. Đặc biệt, các tổ chức quốc tế vẫn xem Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với việc kiểm soát dịch bệnh tốt. Trong khi đó, với thị phần du khách nước ngoài chiếm đến 50%, cùng tốc độ xuất nhập khẩu hiện nay, TP. Hồ Chí Minh luôn thu hút lượng hàng hóa lớn. Để góp phần phát triển logistics, thời gian qua, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều kiến nghị nhằm cắt giảm chi phí logistics, cụ thể như kết hợp quản lý chuyên ngành với kiểm tra hàng để hình thành vòng tròn khép kín; triển khai đề án chống ùn tắc tại cảng Cát Lái cũng như các khu vực khác…

Ở quy mô rộng hơn, bà Phan Thị Thắng cho biết, sau thời gian chuẩn bị, TP. Hồ Chí Minh đã định hình được hướng đi và đang tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong chuỗi kế hoạch tổng thể phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung hình thành các trung tâm logistics, phát triển nguồn nhân lực là các nhiệm vụ then chốt trong 3 trụ cột chính để phát triển ngành logistics. ‘‘TP. Hồ Chí Minh đặt kế hoạch phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp trên địa bàn đạt 15% vào năm 2025 và 20% vào năm 2030; tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%; góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn 10-15%” - bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh.