Đoàn công tác làm việc với các sở, ban, ngành tỉnh Phú Yên về tình hình triển khai Nghị định 67.
Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 13/1, đoàn công tác Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, Tổng Cục Thủy sản đã có buổi làm việc với các sở, ban, ngành tỉnh Phú Yên về tình hình triển khai Nghị định 67.
Toàn tỉnh có hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư đóng mới, hoán cải tàu cá
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên Nguyễn Tri Phương cho biết: Ngay sau khi Nghị định 67/2014/NĐ- CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản chính thức ban hành, UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Nghị định 67.
Cũng ngay sau Hội nghị này, UBND Tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện Đông Hòa, Tuy An, Thị xã Sông Cầu và TP Tuy Hòa tổ chức quán triệt Nghị định 67, hướng dẫn ngư dân đăng ký đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá và tàu dịch vụ hậu cần; chỉ đạo, hướng dẫn thành lập tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển...
Đặc biệt, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản để triển khai thực hiện như: Công văn 3368/UBND-KT về dự kiến phân bổ số lượng đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản xa bờ cho 4 huyện, thị, thành phố của tỉnh Phú Yên theo đúng số lượng phân bổ; kế hoạch 135/KH-UBND về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó, việc đóng mới, nâng cấp tàu cá được chia làm 2 giai đoạn...
Theo ông Phương, sau hơn 4 tháng triển khai Nghị định 67, tính đến nay, Sở đã hướng dẫn các huyện, thị tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu theo các chính sách ưu đãi của Nghị định 67.
Hiện tỉnh đã hoàn thành công tác đăng ký đóng mới 104 tàu (31 vỏ gỗ, 47 vỏ thép, 26 vỏ composite), và cải hoán thay máy 45 tàu; dự kiến nhu cầu vốn đầu tư khoảng 1.010 tỷ đồng (trong đó vốn vay 854 tỷ đồng và vốn tự có 156 tỷ đồng). Về công tác tiếp nhận hồ sơ, hiện huyện Đông Hòa đã có 25 hồ sơ, TP Tuy Hòa có 39 hồ sơ, sẽ trình tỉnh xem xét phê duyệt trong tháng 1/2015.
"Công tác đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 và thuyền viên tỉnh cũng đạt được kết quả bước đầu. Hiện đã có 270 người đăng ký học thuyền trưởng, 170 người đăng ký học máy trưởng, 22 người học nghề khai thác hải sản... Đặc biệt, việc thành lập tổ, đội sản xuất trên biển cũng được Sở triển khai quyết liệt. Hiện nay, tỉnh có 66 tổ, đội ngư dân sản xuất trên biển được thành lập có chứng thực của UBND xã, phường với tổng số 403 chủ tàu cá tham gia...", ông Phương cho biết.
Hiện tỉnh đang tập trung phê duyệt hồ sơ để trong tháng 1/2015, ngư dân có thể tiếp cận nguồn vốn và tham gia bảo hiểm thủy sản.
Cũng theo ông Phương, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1876/QĐ-UBND công bố cơ sở đóng tàu đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá vỏ gỗ công suất máy chính 400 cv trở lên. Toàn tỉnh có 2 cơ sở đáp ứng được các yêu cầu về nhà xưởng, trang thiết bị đối với cơ sở đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá theo quy định...
Tháo gỡ khó khăn để đưa chính sách vào cuộc sống
Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc triển khai Nghị định 67, tại buổi làm việc ông Phương cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai như: Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt nhưng một số cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã ven biển triển khai còn chậm; công tác chỉ đạo của các huyện xuống các xã chưa cụ thể nên việc triển khai còn lúng túng; cấp xã, phường chưa có cán bộ chuyên về công tác hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ của ngư dân; nội dung xác nhận của một số xã, phường chưa cụ thể theo quy định hiện hành; quy trình thẩm định hồ sơ chưa thống nhất giữa các địa phương...
Trước những khó khăn, vướng mắc của địa phương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản Nguyễn Ngọc Oai đề nghị, Sở phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức tập huấn về lập hồ sơ đăng ký vay vốn cho ngư dân, cấp xã, phường và thủ tục thẩm định hồ sơ cho cấp huyện; tổ tư vấn, thẩm định giúp việc Ban chỉ đạo tiếp tục tổ chức hướng dẫn cho ngư dân, xã, phường lập hồ sơ, xác nhận, tổng hợp danh sách và thẩm định hồ sơ đợt 1 để ngư dân sớm tiếp cận nguồn vốn...
"Cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và thường xuyên hơn nữa giữa các bên như: Các ngư dân, hiệp hội nghề cá; các bộ, ngành; chính quyền địa phương, các ngân hàng và công ty bảo hiểm", ông Oai nhấn mạnh.
Phó Cục trưởng Cục quản lý giám sát bảo hiểm Bộ Tài chính Nguyễn Quang Huyền cho biết, công tác triển khai bảo hiểm thủy sản theo Nghị định 67 đã được Bộ Tài chính triển khai đồng bộ, các thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm, hướng dẫn tài chính đối với các DN bảo hiểm… đã được ban hành kịp thời, công tác tập huấn được triển khai rộng rãi. Các DN bảo hiểm cũng triển khai tuyên truyền xuống các địa phương, ngư dân.
Hiện Phú Yên có 1.200 tàu công suất từ 90 CV trở lên khai thác xa bờ, ngay sau khi UBND tỉnh hoàn tất các quy định liên quan đến xác nhận hồ sơ, Bảo Minh Phú Yên sẽ tiến hành cấp đơn bảo hiểm theo quy định…/.
Bài và ảnh: Hồng Chi