tt

Lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn

Cụ thể, theo báo cáo, GDP trong quý 3 đạt 6,4% so cùng kỳ năm ngoái từ mức 5,5% của quý 2 do sản xuất tăng trưởng và lĩnh vực dịch vụ ổn định. CPI của tháng 9 tiếp tục giảm và kỳ vọng CPI sẽ ở mức thấp hơn 4% vào cuối năm 2014.

Lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam đang hoạt động rất tốt, đạt tăng trưởng 14,1% tính từ đầu năm đến nay. Đây là một kết quả khá ấn tượng khi nhu cầu thế giới còn ảm đạm.

Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - châu Âu sắp được ký kết, sẽ khiến cho hàng xuất khẩu từ lĩnh vực sản xuất tăng mạnh. Với việc châu Âu dừng các biện pháp chống bán phá giá với hàng giày da của Việt Nam, chi phí nhân công cạnh tranh so với Trung Quốc và triển vọng về Hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khiến các công ty chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam.

Tuy nhiên, những năm gần đây, người hưởng lợi về xuất khẩu của Việt Nam là hàng hóa sản xuất, trong khi những hàng hóa nông sản và khai thác mất đi thế mạnh. Gạo, cao su, và than đá đều tăng trưởng âm về giá trị trong năm nay.

Trong khi lĩnh vực sản xuất phát triển ngày càng mạnh mẽ, ngành dịch vụ của Việt Nam dường như chững lại. Mặc dù có sự chuyển đổi mạnh về nhân khẩu học và thu nhập gia tăng, sức phát triển của ngành dịch vụ vẫn đang ở mức thấp do lòng tin người tiêu dùng yếu và tỷ lệ nợ xấu cao trong lĩnh vực tài chính. Tín dụng hạn chế cho khối công ty nhà nước khiến tăng trưởng thu nhập của rất nhiều người lao động Việt Nam chững lại, nhất là ở phía Bắc.

Thực tế là các gia đình Việt Nam hoặc đang trả dần các khoản nợ, hoặc bị giảm tài sản do vàng và bất động sản rớt giá, hoặc có ít cơ hội việc làm hơn và những điều này đã khiến họ thắt chặt túi tiền và giảm độ chấp nhận rủi ro. Trừ khi niềm tin người tiêu dùng tăng trở lại, nếu không chỉ có lĩnh vực xuất khẩu là điểm sáng duy nhất của nền kinh tế.

Thu tuong
Trong phiên họp thường kỳ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý "không chủ quan, thỏa mãn" với kết quả đạt được. Ảnh: VPG

Tăng trưởng tín dụng không quá 10%

Dù vẫn còn các khoản đầu tư không hiệu quả, nhưng thời kỳ thâm hụt thương mại liên tiếp của Việt Nam đã qua. Lý giải tính cân bằng của nền kinh tế trong ba năm qua, trong đó thâm hụt thương mại của các công ty trong nước đã được thu hẹp đáng kể, báo cáo cho biết trước đây, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu ròng còn các công ty trong nước thâm hụt do chủ yếu nhập khẩu để phục vụ nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt trong thời kỳ kinh tế phát triển nóng nhất (2008 và 2011).

Chính vì thế khi nhu cầu nhập này giảm xuống khiến cán cân thương mại Việt Nam thặng dư dù chỉ ở mức nhỏ. Cũng lúc đó, vốn FDI của các công ty nước ngoài chảy vào Việt Nam nhằm tận dụng nguồn lao động, điện, và nước giá rẻ đã làm tăng thặng dư thương mại.

Trước tình hình này, đánh giá về viễn cảnh kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn, các chuyên gia của HSBC kỳ vọng Việt Nam có thể duy trì mức thặng dư thương mại nhỏ nhờ nguồn lao động cạnh tranh, “miễn là các công ty trong nước, đặc biệt là các công ty nhà nước không có những gói tín dụng lớn dẫn tới sử dụng các gói này để nhập siêu và bóp méo cán cân thương mại (khoảng trên 15 tỷ USD)”. Báo cáo cho rằng tăng trưởng tín dụng khó đạt hơn 10% trong năm nay, khác với nhận định khá tự tin của Thống đốc NHNN mới đây về đạt tăng trưởng tín dụng 12 - 14%.

Báo cáo cũng nhận xét các công ty trong nước đang mất dần tính cạnh tranh. Các công ty nước ngoài ở Việt Nam tạo cơ hội cho các công ty trong nước học hỏi công nghệ mới, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Tuy vậy, Nhà nước cũng phải hết sức chủ động đưa ra các chính sách để tối đa hóa các cơ hội đó, và bước đi đầu tiên đã được thực hiện là giảm đầu tư lãng phí. Phiên họp Quốc hội sắp tới được cho là một dịp quan trọng để theo dõi cam kết của các nhà làm chính sách đối với cải cách./.

Hoàng Yến