![]() |
Phối cảnh Trung tâm tài chính khu vực Đà Nẵng. Ảnh minh họa |
Chiến lược kết nối, không cạnh tranh trực tiếp
Theo đó, Trung tâm tài chính TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng sẽ được định hướng phát triển hài hòa, có sự phân công chức năng rõ nét để tương hỗ lẫn nhau và kết nối chặt chẽ với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực như Singapore, Hong Kong... nhằm tận dụng lợi thế múi giờ, vị trí địa lý và đón xu hướng dịch chuyển dòng vốn.
Theo Bộ Tài chính, Việt Nam có những lợi thế riêng để thu hút nhà đầu tư như: nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh, ổn định, thị trường mới nổi năng động; vị trí địa chiến lược tại ngã tư giao thương Đông - Tây, Bắc - Nam, ngay trung tâm ASEAN. Múi giờ của Việt Nam chênh lệch với các trung tâm tài chính lớn (London, New York, Tokyo...), tạo cơ hội thu hút giao dịch vào những giờ các trung tâm này nghỉ.
Hơn nữa, Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu về ứng dụng các công nghệ tài chính tương lai (fintech, blockchain), có tiềm năng phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính số độc đáo và môi trường chính trị - xã hội ổn định, an ninh an toàn.
Với những lợi thế đó, trung tâm tài chính tại Việt Nam sẽ tập trung vào các lĩnh vực ngách chiến lược phù hợp thay vì trùng lắp với Singapore hay Hong Kong. Ví dụ, TP. Hồ Chí Minh có thể tập trung phát triển thị trường vốn và ngân hàng quốc tế, tài chính xanh, các dịch vụ hỗ trợ chuỗi cung ứng khu vực. Còn Đà Nẵng có thể định hướng vào các dịch vụ tài chính xanh, tài chính offshore, công nghệ tài chính, kiều hối và quản lý quỹ khu vực, gắn với Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Cách định vị này bảo đảm hai trung tâm phát triển hài hòa, đúng lợi thế từng nơi, đồng thời phù hợp định hướng “kết nối, không cạnh tranh trực tiếp”, giúp Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam vừa tận dụng được mạng lưới toàn cầu, vừa tránh đối đầu với các trung tâm mạnh hơn.
Lựa chọn mô hình quản lý nhà nước
Một vấn đề quan trọng đang được đề xuất là về cơ cấu quản lý Trung tâm tài chính quốc tế, dự thảo Nghị quyết đang xây dựng theo mô hình quản lý nhà nước. Trung tâm tài chính quốc tế được quản lý trong khuôn khổ bộ máy hành chính nhà nước nhưng được trao cơ chế “một cửa, tại chỗ” với tính linh hoạt cao.
Việt Nam có thể phát triển các loại hình tài chính đặc thù Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc, việc xây dựng trung tâm tài chính ở Việt Nam cần có bản sắc riêng, khác với bất kỳ quốc gia nào. "Chúng tôi đang tính đến việc nghiên cứu xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế mang bản sắc riêng, tận dụng được lợi thế so sánh về kinh tế, xã hội và địa chính trị. Khác với mô hình truyền thống, chúng tôi ưu tiên ứng dụng công nghệ hiện đại ngay như fintech, blockchain, tài chính xanh..." - Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ. Thứ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, đã ký 17 FTA với các đối tác trên thế giới, đây là cơ hội để Việt Nam phát triển các loại hình tài chính đặc thù "trade finance". Việt Nam cũng có điều kiện thuận lợi để xây dựng trung tâm tài chính dựa trên xuất khẩu hàng nông sản và các mặt hàng truyền thống; có thể xây dựng các sàn giao dịch hàng hoá dựa vào blockchain. |
Cụ thể, sẽ thành lập cơ quan quản lý trung tâm tài chính trực thuộc UBND thành phố (TP. Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng) để điều hành trực tiếp mọi hoạt động tại trung tâm tài chính và một trung tâm trọng tài quốc tế để giải quyết các tranh chấp thương mại, tài chính phát sinh. Các cơ quan này do UBND thành phố tổ chức, chịu sự hướng dẫn chuyên môn từ các bộ, ngành trung ương. Ban Chỉ đạo quốc gia về Trung tâm tài chính quốc tế do Thủ tướng Chính phủ thành lập chịu trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về Trung tâm tài chính quốc tế; thúc đẩy việc phát triển Trung tâm tài chính quốc tế.
Cơ quan giám sát trung tâm tài chính liên ngành (gồm đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Xây dựng và Môi trường, Bộ Tư pháp...) sẽ giám sát các định chế tài chính trong trung tâm tài chính.
Mô hình này có ưu điểm là phù hợp với thực tiễn quản lý cùa Việt Nam, có thể triển khai nhanh vì dựa trên khuôn khổ pháp lý sẵn có. Mô hình này cũng bảo đảm sự kiểm soát của Nhà nước đối với Trung tâm tài chính quốc tế, tránh rủi ro thất thoát hoặc lạm dụng cơ chế.
Tuy nhiên, nhược điểm là mức độ hấp dẫn và cạnh tranh quốc tế chưa cao (cơ cấu nhà nước có thể kém linh hoạt hơn mô hình độc lập; thủ tục hành chính và tâm lý e ngại cơ quan công quyền có thể làm giảm sức hút đối với nhà đầu tư nước ngoài; khả năng thu hút nhân tài quản lý quốc tế vào làm việc trong bộ máy hành chính địa phương cũng cần giải quyết các nút thắt về chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc).
Trong quá trình nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, một số trung tâm tài chính quốc tế trên thế giới áp dụng mô hình quản trị bởi một tổ chức công - tư hỗn hợp, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp/quỹ phát triển, đại diện cho cộng đồng các ngân hàng và định chế tài chính tham gia trung tâm tài chính.
Ưu điểm nổi bật của mô hình này là tính chuyên nghiệp, linh hoạt và bám sát nhu cầu thị trường; hoạt động độc lập, có quyền tự chủ cao; tạo niềm tin cho nhà đầu tư quốc tế.
Tuy nhiên, nhược điểm chính là chưa phù hợp với khung pháp luật hiện hành của Việt Nam hiện hành. Việc trao một phần thẩm quyền quản lý nhà nước cho một thực thể công - tư hỗn hợp đòi hỏi cơ sở pháp lý rất mới, trong khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định hiện tại chưa cho phép mô hình quản trị đặc thù như vậy.
Ngoài ra, mô hình này có thể gây phức tạp trong quan hệ trách nhiệm giữa cơ quan nhà nước và tổ chức vận hành Trung tâm tài chính quốc tế, dễ tạo vướng mắc nếu không xác định rõ ranh giới thẩm quyền.
Cơ quan quản lý có thể ban hành cơ chế, chính sách đặc thù Về cơ chế, chính sách áp dụng tại Trung tâm tài chính quốc tế, cơ quan soạn thảo cho biết, kinh nghiệm thế giới cho thấy các cơ quan quản lý của Trung tâm tài chính quốc tế hiện đại hiện nay đều có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù trong Trung tâm tài chính quốc tế nhằm linh hoạt và phản ứng kịp thời với sự thay đổi của thị trường tài chính thế giới. Do vậy, dự thảo Nghị định thiết kế theo hướng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Trung tâm tài chính quốc tế được thực hiện theo quy định tại nghị quyết này và các văn bản hướng dẫn; văn bản do cơ quan quản lý Trung tâm tài chính quốc tế (cơ quan quản lý điều hành và cơ quan giám sát) được ban hành. Chính phủ quy định phạm vi các nội dung mà cơ quan quản lý Trung tâm tài chính quốc tế phải lấy ý kiến các cơ quan có liên quan trước khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, các cơ chế chính sách áp dụng tại Trung tâm tài chính quốc tế là các nội dung mới, mang tính vượt trội. Do đó, để đảm bảo xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện, dự thảo Nghị quyết quy định: Chính phủ ban hành Nghị định để thí điểm trong thời gian tối đa 2 năm để xử lý các vấn đề phát sinh khác với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại phiên họp gần nhất. |