Trường Đại học Tài chính - Marketing: Tự chủ tài chính để nâng cao chất lượng đào tạo
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: S.Nam

PGS.TS Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing cho biết, thời gian tới, để nâng cao chất lượng đào tạo nghiên cứu khoa học, trường sẽ kiên quyết tuyển dụng giảng viên có trình độ sau đại học có thể giảng dạy ngay bằng ngoại ngữ. Phải đảm bảo đủ chuẩn giảng viên, tiếp tục tổ chức các lớp về đào tạo ngoại ngữ cho giảng viên hiện tại,tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, cập nhật kiến thức mới.

Theo ông Đạt, để làm được điều này phải có chính sách tài chính hợp lý. Đồng thời phải xác định rõ những ngành/chuyên ngành cần tập trung đầu tư thu hút nhân sự có học hàm, học vị trong từng giai đoạn.

Trong công tác đào tạo cũng phải xác định rõ các môn các cơ sở ngành, ngành mang tính chất liên ngành, xây dựng phông kiến thức lý luận cao đảm bảo thích ứng người học có thể linh hoạt thị trường lao động. Các môn chuyên môn sâu, kỹ năng sâu mang tính chất ứng dụng để bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành, kỹ năng do các đơn vị dịch vụ đào tạo nhà trường cung cấp không nằm trong chương trình đào tạo.

“Thời gian tới, trường sẽ ưu tiên mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ, chuyển đổi các môn học cho đội ngũ giảng viên (trường đại học liên kết, dự án của các tổ chức quốc tế - PV)” - PGS.TS Phạm Tiến Đạt thông tin.

Trường Đại học Tài chính - Marketing: Tự chủ tài chính để nâng cao chất lượng đào tạo
PGS.TS Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: S.Nam

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia, giảng viên, nghiên cứu khoa học chuyên ngành lĩnh vực tài chính cũng cho rằng, thời gian tới trường cần tập trung xây dựng lộ trình về nhân sự, cơ sở vật chất, chương trình thí điểm để kiểm định 1 số chương trình đào tạo đã liên kết đào tạo với các trường đại học nước ngoài theo ACSB… để tận dụng kinh nghiệm. Hình thành các trung tâm tư vấn tài chính, quản trị hướng đến hình thành các doanh nghiệp tư vấn tài chính, quản trị và các ngành trường đã mở cơ chế pháp lý.

Để trường trở thành các “hub” mang thương hiệu danh tiếng trên thế giới, thời gian tới cần mở phân hiệu (campus) tiến tới xây dựng các Khu Giáo dục quốc tế (EduHub) tại Việt Nam. Đồng thời mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế như WB, IMF, thông qua Ban quản lý dự án Bộ Tài chính.

Trường Đại học Tài chính - Marketing: Tự chủ tài chính để nâng cao chất lượng đào tạo
PGS.TS Phạm Quốc Khánh - Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Bộ giáo dục đào tạo phát biểu tại hội thảo. Ảnh: S.Nam

Bàn về tự chủ tài chính, PGS.TS Phạm Quốc Khánh - Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Bộ giáo dục đào tạo cho rằng, cần phải thực hiện đúng Nghị định 60/NĐ-CP và phát huy việc giao quyền chủ động cho cơ sở giáo dục để thực hiện các khoản chi (thường xuyên và đầu tư) sao cho có sự ưu tiên, tập trung, khoa học để bảo đảm phát triển trọng tâm, bền vững nguồn thu trong tương lai…

Trong thời gian tới, trường phải da dạng hóa nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất, bao gồm mời các quỹ đầu tư, tập đoàn doanh nghiệp Việt Nam xây dựng đề án đầu tư cho mục đích giáo dục trên cơ sở xây dựng các phương án và cơ chế phân phối lợi ích, hợp tác đôi bên có lợi trên cơ sở đồng ý Bộ Tài chính.