Tuyên truyền về nông thôn mới cần đa dạng và đi trước một bước
Tuyên truyền về nông thôn mới cần đa dạng để tạo sự lan tỏa. Ảnh minh họa.

Đa dạng về hình thức tuyên truyền

Tại Hội nghị về truyền thông phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025 do Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương tổ chức mới đây tại Yên Bái, ông Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Ban Chỉ đạo Trung ương đã xác định, truyền thông là một giải pháp quan trọng, vừa song hành, vừa đi trước để chỉ đạo, hướng dẫn và phản ánh thực hiện.

Đến hết năm 2022, cả nước đã có 18 đơn vị cấp tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 5 tỉnh là Đồng Nai, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Cả nước có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và đã có 73,08% số xã đạt chuẩn NTM.

Với quan điểm xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài, giai đoạn 2021 - 2025, công tác truyền thông đang được tổ chức thực hiện có hệ thống, đồng bộ, đa dạng về hình thức, đổi mới về nội dung và luôn đi trước một bước với cách tiếp cận mới, tư duy mới trong phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng NTM theo nguyên tắc "Cơ cấu lại nền nông nghiệp là động lực, nông thôn mới là nền tảng, nông dân là chủ thể", hướng đến xây dựng "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".

Ngoài tuyên truyền qua các hội nghị, hội thảo, công tác truyền thông về xây dựng NTM còn được tổ chức dưới các hình thức khác nhau như tổ chức các hội chợ, triển lãm, các lớp tập huấn, bồi dưỡng, phát động các phong trào thi đua, các cuộc thi văn nghệ, sáng tác thơ ca, ca khúc, truyện, kịch… về NTM.

“Tôi đã thử làm một phép tính nhẩm, nếu thử gõ từ khóa “nông thôn mới” trên các tờ báo điện tử, mỗi ngày có khoảng 6500 kết quả thì suốt 12 năm qua, chúng ta có thể có một cuốn sách dày 46.600 trang, chưa kể báo hình, báo phát thanh, phim tài liệu…” - ông Đình Anh nêu ví dụ.

Ông Đặng Khắc Lợi - Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết thêm, thời gian qua, công tác truyền thông về xây dựng NTM đã được các cơ quan báo chí tích cực triển khai, có ngày, các cơ quan báo chí đăng tải trên 500 tin, bài về xây dựng NTM.

Tăng cường đặt hàng qua báo chí

Tuy nhiên, theo nhận định của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, bên cạnh những mặt tích cực công tác tuyên truyền về NTM vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn vướng mắc. Nhiều địa phương còn lúng túng và tự phát trong xây dựng kế hoạch truyền thông hàng năm; tại một số nơi, công tác truyền thông chưa được quan tâm đúng mức, còn mang tính hình thức, đối phó, chưa có tính sáng tạo...

Tuyên truyền về nông thôn mới cần đa dạng và đi trước một bước
Nhân dân thôn Yên Dũng, xã Yên Hợp, tỉnh Yên Bái bê tông hóa đường ngõ, xóm.

Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương thống kê, hầu hết các cơ quan truyền thông, từ phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử từ Trung ương đến địa phương đều mở chuyên trang, chuyên mục về nông thôn mới.

Nhiều chuyên mục tiếp tục chú trọng tìm kiếm, khai thác “chất liệu mới”, đi sâu vào khai thác “tính mới”. Trong khi đó, 100% các tỉnh, thành phố đều phát động hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” với nhiều chủ đề rất cụ thể.

Nhằm thực hiện được các mục tiêu với công tác truyền thông về xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, ông Ngô Trường Sơn - Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho rằng, Văn phòng Điều phối NTM các tỉnh, thành phố cần bám sát các nhiệm vụ, giải pháp trong chương trình truyền thông đã được phê duyệt, chủ động phối hợp với ngành Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tấn báo chí.

Đồng thời, hằng năm tham mưu cho UBND cùng cấp ban hành kế hoạch truyền thông và chỉ đạo thực hiện theo hướng rõ chủ đề, rõ việc, rõ đối tượng tuyên truyền; đa dạng hóa nội dung và phương thức tuyên truyền...

Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả trong việc tuyên truyền về xây dựng NTM, các đại biểu cho rằng cần xây dựng chủ đề truyền thông phù hợp theo từng năm, nhằm tuyên truyền sâu, rộng và hiệu quả. Mở rộng đối tượng truyền thông, thúc đẩy nhận thức và thông tin đến cán bộ cơ sở, cộng đồng, người dân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác truyền thông nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông.

Ông Đặng Khắc Lợi nhấn mạnh, thời gian tới, Cục Báo chí sẽ tăng cường chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí truyền thông về xây dựng NTM. Theo ông Lợi, để hoạt động truyền thông về NTM đạt nhiều kết quả hơn nữa, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương và Văn phòng Điều phối NTM các tỉnh, thành cần tăng cường đặt hàng các cơ quan báo chí tuyên truyền về Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM theo quy định./.