vũ viết ngoạn

Đạị biểu Vũ Viết Ngoạn.

* Tỷ giá đang diễn biến khó lường mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nới room thêm 1% từ đầu tháng 5. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Trước hết chúng ta phải nhìn nhận ở góc độ chính sách tỷ giá thời gian qua đã ưu tiên củng cố và làm tăng lòng tin của công chúng vào giá trị đồng Việt Nam. Nhu cầu đó đúng và đúng thời điểm.

Thị trường thì luôn biến động khó lường, năm 2011, Việt Nam gặp loạt biến cố lạm phát cao, nhập siêu quá lớn… ảnh hưởng tới lòng tin của công chúng vào đồng Việt Nam. Tình trạng đầu cơ vàng, ngoại tệ ở thời điểm đó rất lớn. Diễn biến kinh tế bị tác động cả yếu tố bên trong, bên ngoài.

Rõ ràng, mỗi giai đoạn diễn biến thị trường tác động khác nhau. Hiện nay, nhập siêu đã bắt đầu quay trở lại sau nhiều năm chúng ta xuất siêu. Kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên giá cả hàng lương thực thế giới giảm tới 23% đã làm hàng nông sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Xuất khẩu của chúng ta đang tăng ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm trước và so với nhập khẩu đã ảnh hưởng cả tâm lý, kết cấu nền kinh tế. Trước tình hình này nhà quản lý điều hành đã nghiên cứu thị trường phản ứng theo cách thức nào, tác động tới cung cầu thực tế ra sao và đưa ra các quyết sách cần thiết giúp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu chủ động hơn, và phù hợp với diễn biến của thị trường tiền tệ hiện nay.

* Việc điều chỉnh tỷ giá kỳ vọng giảm tâm lý găm giữ ngoại tệ của thị trường, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng găm giữ ngoại tệ hiện nay vẫn phổ biến?

- Tất nhiên điều đó không tránh khỏi. Từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng, nhà xuất khẩu, nhập khẩu đều găm giữ ngoại tệ.

Nhưng cân đối ngoại tệ vẫn thặng dư… Đó là yếu tố hết sức quan trọng. Tất cả các chủ thể trên thị trường cũng cần nhìn nhận, đánh giá để tránh hành vi ứng xử đi ngược lại yếu tố căn bản của thị trường.

Tôi cho rằng, cần có thông tin đầy đủ, phân tích kỹ lưỡng trước mắt, lâu dài và chính sách cũng cần nhìn vào đó để có điều chỉnh phù hợp, kể cả xuất khẩu, nhập khẩu, cán cân thanh toán nói chung và cung cầu ngoại tệ trên thị trường, thông tin chính sách... Nếu làm được thì sẽ hạn chế được mặt trái của thị trường.

* Như ông nói thì ngân hàng cũng găm giữ, đầu cơ ngoại tệ?

- Tôi không nói các ngân hàng đầu cơ ngoại tệ. Theo quy định thì trạng thái ngoại tệ của ngân hàng được (cộng, trừ) không quá 20% vốn điều lệ, nên có lúc họ bán trước mua sau, rồi mua trước bán sau… đó cũng là hành động bình thường.

* Liệu có nới thêm "room" tỷ giá từ nay tới cuối năm, thưa ông?

- Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của người điều hành chính sách. Việc có điều chỉnh tiếp hay không thì căn cứ vào yếu tố nền tảng vĩ mô chưa tạo ra yếu tố thay đổi quá lớn, thông tin chính sách, cách thức vận hành chính sách... để đảm bảo yếu tố ổn định là quan trọng ở thời điểm này.

Bên cạnh đó, ngoại tệ có được chuyển vào hệ thống ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước hay không là câu chuyện liên quan đến hành vi ứng xử của thị trường. Ngân hàng Nhà nước cần có điều hành và thông tin để hạn chế hành vi ứng xử đi ngược với xu hướng thị trường.

* Xin cảm ơn ông!

Hồng Chi (ghi)