h

Tỉnh Quảng Ninh họp khẩn về phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Báo cáo tình hình diễn biến dịch tả lợn châu Phi hiện nay, ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh cho biết: Tính đến ngày 26/2 toàn tỉnh Quảng Ninh chưa xuất hiện trường hợp dịch tả lợn châu Phi.

Tuy nhiên, loại dịch bệnh này đã được ghi nhận xuất hiện tại 20 hộ chăn nuôi thuộc 4 tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng và Thanh Hóa, đều khá gần với Quảng Ninh. Việc lây lan bệnh hiện cũng được xác định thông qua nhiều đường như vận chuyển, buôn bán, sử dụng lợn và sản phẩm từ lợn bị bệnh; lây bệnh qua các kênh trung gian như chim di cư hoặc mầm bệnh có trong thức ăn dư thừa, đường nước... Do vậy nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi vào Quảng Ninh rất lớn. Nếu xảy ra dịch bệnh sẽ gây hậu quả lớn, bởi hiện chưa có vắc-xin phòng chống, lợn bệnh buộc phải tiêu hủy.

Để cấp bách ứng phó với tình hình dịch tả lợn châu Phi, đại diện một số đơn vị đề xuất lập chốt kiểm dịch tại một số tuyến đường vận chuyển từ ngoại tỉnh vào Quảng Ninh. Tăng cường kiểm tra, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc; tăng cường thông tin, tuyên truyền đến các địa phương, người dân nắm rõ tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh cũng như dấu hiệu nhận biết bệnh để nâng cao trách nhiệm phòng chống...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, dịch tả lợn châu Phi đã và đang diễn biến rất phức tạp. Quảng Ninh là tỉnh đang tiêu dùng sản lượng lớn lợn và sản phẩm của lợn từ các tỉnh, thành khác; có đường biên giới và lượng khách du lịch lớn nên rất dễ bị xâm nhiễm dịch bệnh vào nội địa. Với tinh thần trách nhiệm, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm cao nhất không để dịch xuất hiện tại địa bàn, trong trường hợp dịch xảy ra cần phải khoanh vùng và không để lây lan.

Hiện UBND tỉnh Quảng Ninh đã phát công điện thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Trên cơ sở đó, các địa phương rà soát, phân công chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ hiệu quả; chuẩn bị về hóa chất, kinh phí để hỗ trợ kịp thời cho người dân khi xảy ra dịch. Lực lượng công an, biên phòng, hải quan tập trung công tác kiểm tra, xử lý các hoạt động gây nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh tại chợ, tuyến biên giới. Các trại chăn nuôi, giết mổ cần tăng cường công tác tự kiểm tra, nắm bắt biểu hiện đàn vật nuôi, tránh tư tưởng chủ quan.

Khi dịch xảy ra không dấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn nghi ngờ bị bệnh; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa, không đảm bảo... Trong quá trình nuôi, nếu có nghi ngờ phải báo cho cơ quan chuyên môn, nếu phát hiện bị bệnh cần phải tiêu hủy theo đúng quy định./.

Lan Hương