Phương án hỗ trợ tốt nhất là tạo sinh kế

Sáng 15/1, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP. Hà Nội) đánh giá cao nỗ lực các cơ quan soạn thảo và thẩm tra để hoàn thiện dự thảo luật trong thời gian ngắn. Đến nay, dự thảo Luật đã khá hoàn chỉnh, có thể thông qua tại kỳ họp này. Bên cạnh đó, đại biểu đoàn TP. Hà Nội cũng chỉ ra một số nội dung cần cân nhắc, điều chỉnh.

Ưu tiên chọn đất có vị trí thuận lợi làm khu tái định cư

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại hội trường

Trong đó, liên quan đến quy định về bồi thường, tái định cư, đại biểu đồng tình với quy định tại Điều 91 và Điều 110 đã cụ thể hóa khá rõ yêu cầu của Nghị quyết 18 là việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải đảm bảo cho người có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Song, đại biểu cũng đề nghị quy định thêm về tiêu chuẩn với khu tái định cư là hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư tối thiểu phải đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đối với khu vực nông thôn, tối thiểu đạt tiêu chuẩn khu đô thị đối với khu vực đô thị.

Tại Khoản 3, Điều 110 quy định về địa điểm tái định cư, đại biểu đề nghị bổ sung thêm một nội dung là “ưu tiên lựa chọn khu đất được quy hoạch đất ở có vị trí thuận lợi nhất ở địa bàn được lựa chọn để làm khu tái định cư”.

Theo đại biểu, điều này để tránh tình trạng, cùng địa bàn xã, có địa phương dành quỹ đất được quy hoạch đất ở có vị trí thuận lợi nhất cho đấu giá để thu tiền, còn khu xa, khó khăn không ai muốn mua thì bố trí khu tái định cư.

“Một bài học thực tế là các dự án tái định cư đường vành đai 4 Hà Nội đang thực hiện dành vị trí thuận lợi nhất cho tái định cư, nên người dân phải di dời chỗ ở rất đồng tình ủng hộ” - đại biểu nêu ví dụ.

Cũng liên quan đến quy định về thu hồi đất, đại biểu cho rằng Khoản 4, Điều 91 thể hiện rất rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với người có đất bị thu hồi là: Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản để tạo điều kiện cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh “phương án hỗ trợ tốt nhất, bền vững nhất không phải là đưa tiền cho người dân mà phải tạo sinh kế”. Do đó, nếu thu hồi đất đang là nhà xưởng sản xuất kinh doanh, thì trong phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải bố trí quỹ đất phù hợp để tạo lập mặt bằng mới cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nếu thu hồi đất nông nghiệp mà người dân không có điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp làm trong khu công nghiệp, thì phải dành quỹ đất dịch vụ để tạo việc làm cho người nông dân. Do vậy đại biểu đề nghị bổ sung thêm vào Khoản 21 điều 79 quy định về thu hồi đất tạo mặt bằng sản xuất kinh doanh cho người có đất bị thu hồi.

Hỗ trợ đất ở cho các hộ gia đình nhiều thế hệ chung sống

Tham gia góp ý cho quy định về bố trí tái định cư, đại biểu Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) cho biết, Khoản 4 Điều 111 quy định: "Trường hợp trong hộ gia đình có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất ở bị thu hồi, nếu đủ điều kiện để tách thành từng hộ gia đình riêng theo quy định của pháp luật về cư trú, hoặc có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một thửa đất ở bị thu hồi mà diện tích đất ở được bồi thường không đủ để giao riêng cho từng hộ gia đình thì được xem xét hỗ trợ để giao đất ở có thu tiền sử dụng đất hoặc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở cho các hộ gia đình còn thiếu”.

Ưu tiên chọn đất có vị trí thuận lợi làm khu tái định cư
Đại biểu Sùng A Lềnh phát biểu tại phiên họp

Theo đại biểu, nội dung này cần chia làm 2 trường hợp.

Trường hợp trong hộ gia đình có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất ở bị thu hồi nếu đủ điều kiện để tách hộ theo quy định của pháp luật về cư trú thì UBND cấp tỉnh quy định mức đất ở tái định cư cho từng hộ.

Trường hợp có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một thửa đất ở bị thu hồi, thì UBND cấp tỉnh căn cứ vào quỹ đất tái định cư và tình hình thực tế của địa phương giao 1 suất đất ở tái định cư, quy định mức giao thêm đất ở có thu tiền sử dụng đất hoặc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở.

Lý do bởi, thực tế khi các hộ bị thu hồi đất, trong hộ gia đình có nhiều thế hệ chung sống, điển hình đồng bào dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế có khó khăn, có nhiều trường hợp đủ điều kiện tách hộ nhưng họ độc thân, hoặc ít có khả năng lập gia đình, những trường hợp chồng chết, hoặc vợ chết… có nhu cầu ở thực tế cần được xem xét, giao đất để đảm bảo có chỗ ở theo tinh thần Hiến pháp.

Việc quy định sẽ tránh trường hợp nhiều hộ gia đình lợi dung khe hở chính sách để trục lợi bằng hình thức mua chung 1 thửa đất ở để được hưởng chế độ giao đất tái định cư, đặc biệt là đối với những địa phương quỹ đất hạn chế, đất có khả năng sinh lời cao.

Không nên phân biệt loại đất để tạo nguồn cung về nhà ở

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) kỳ này chỉnh sửa quy định về các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất, hoặc đang có quyền sử dụng đất. Theo đó, chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở. Trường hợp đang có quyền sử dụng đất, chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại nếu đó là đất ở hoặc đất ở và đất khác (không phải đất ở, bao gồm cả đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp).

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị), “quy định này đặt ra một hạn chế rất khó hiểu là phải có 1m2 đất ở trong diện tích dự án thì mới được làm, còn nếu không có mét vuông nào thì không được”. Cho rằng phân biệt giữa hai trường hợp là “không cần thiết, không mang lại lợi ích công cộng nào”, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị bỏ quy định trên để tạo cung nhà ở, giảm giá nhà.