Ưu tiên nguồn lực tài chính hỗ trợ doanh nghiệp
Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: HỒNG VÂN

PV: Kể từ thời điểm bùng phát của đại dịch Covid-19 vào đầu năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách mới để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân. Ông có bình luận gì về sự hỗ trợ này của Chính phủ đối với các DN trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp?

Ông Phan Hoài Nam: Trong gần 2 năm qua, Việt Nam đã trải qua 4 làn sóng của đại dịch Covid-19. Nền kinh tế đất nước cũng như cuộc sống của người dân đã chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề do tác động của đại dịch, đặc biệt là tác động tiêu cực từ làn sóng dịch lần thứ 4. Dù vậy, tôi cho rằng, những nỗ lực của Chính phủ trong quá trình phòng, chống Covid-19 cũng như các chính sách hỗ trợ DN và người dân chịu ảnh hưởng bởi đại dịch trong suốt gần 2 năm qua là rất đáng ghi nhận.

Ưu tiên nguồn lực tài chính hỗ trợ doanh nghiệp
Ông Phan Hoài Nam

Tôi tin chắc rằng, Chính phủ rất muốn hỗ trợ toàn bộ người dân và DN tại Việt Nam vì dù ít dù nhiều, trực tiếp hay gián tiếp, các DN và người dân trên cả nước đều chịu ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ chỉ có thể thực hiện trong những điều kiện cho phép. Chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian qua đã tập trung ưu tiên vào những DN và người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch Covid-19. Đó là chính sách hoàn toàn hợp lý trong điều kiện Việt Nam còn nhiều khó khăn bủa vây hiện nay. Với tâm thế đó, tôi mong rằng, Chính phủ sẽ tiếp tục đưa ra những chính sách và giải pháp hỗ trợ thiết thực và hiệu quả hơn nữa cho người dân và DN trong thời gian sắp tới.

PV: Từ góc nhìn của đơn vị tư vấn cho DN, theo ông, những hỗ trợ về thuế, phí, tín dụng, cắt giảm chi phí cho DN như giãn thuế, tiền thuê đất, giảm phí… có tác động thế nào tới DN?

Ông Phan Hoài Nam: Từ đầu năm 2020 đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều gói hỗ trợ với nhiều nội dung hỗ trợ khá đa dạng. Với mục tiêu nỗ lực hết sức có thể trong điều kiện cho phép để hỗ trợ DN, Chính phủ đã ưu tiên hỗ trợ các DN chịu tác động bởi đại dịch Covid-19. Do đó, không phải tất cả mọi DN đều nhận được mọi chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, tùy từng chính sách hỗ trợ và tùy mức độ ảnh hưởng của đại dịch đối với từng DN, những hỗ trợ nêu trên đã góp phần hỗ trợ DN duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Điều quan trọng là các chính sách hỗ trợ đã thể hiện sự sát cánh và đồng hành của Chính phủ đối với DN trong thời điểm khó khăn ngặt nghèo như hiện nay. DN cũng sẽ thấu hiểu những nỗ lực của Chính phủ để cùng vượt qua khó khăn và thích ứng với tình hình mới.

Cân nhắc bổ sung chính sách tập trungvào việc cắt giảm chi phí

Ông Phan Hoài Nam cho biết, doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ tiếp tục nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, chẳng hạn như nhiều doanh nghiệp bị lỗ thì Chính phủ có thể cân nhắc xây dựng bổ sung chính sách theo hướng tập trung vào việc cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, kéo dài thời gian chuyển lỗ...

PV: Ông có thể cho biết những phản hồi từ DN mà ông nhận được về những chính sách hỗ trợ trên?

Ông Phan Hoài Nam: Chúng tôi vừa cùng với Hiệp hội DN Singapore tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức thành công hội thảo trực tuyến với chủ đề: “Tổng quan về các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với DN và người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19”. Hội thảo đã nhận được sự tham gia của rất nhiều DN và cá nhân trong và ngoài nước. Hiện nay rất nhiều văn bản được ban hành ở những thời điểm khác nhau, với nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau đã khiến DN và người dân đôi lúc không cập nhật và nắm rõ hết các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Là diễn giả của hội thảo này, góp phần truyền tải các chính sách hỗ trợ và thông điệp của Chính phủ tới DN và người dân, tôi đã tổng hợp và chia ra thành từng nhóm theo mục đích hỗ trợ (hỗ trợ về thuế, tín dụng, cắt giảm chi phí, hỗ trợ bằng tiền, miễn hoặc hoãn nộp các khoản đóng góp bắt buộc) và trình bày một cách chi tiết nhưng dễ tiếp nhận cho DN. Thông qua số lượng đăng ký tham dự hội thảo, số người theo dõi và đặt các câu hỏi tại sự kiện, tôi nhận thấy DN và người dân đã dành một sự quan tâm đặc biệt đến các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian vừa qua. Nhìn chung, phản hồi của DN là rất tích cực.

PV: Chính phủ cũng đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội một gói hỗ trợ mới về miễn, giảm thuế cho DN. Gói hỗ trợ này lên đến hơn 20 nghìn tỷ đồng. Ông đánh giá thế nào về nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho DN của Chính phủ và Bộ Tài chính trong điều kiện ngân sách đang rất hạn hẹp?

Ông Phan Hoài Nam: Nền kinh tế chịu tác động lớn của dịch Covid-19 đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN suy giảm. Cùng với đó, việc triển khai thực hiện các gói giải pháp hỗ trợ gia hạn tiền thuế cho DN và người dân càng khiến số thu ngân sách sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Bộ Tài chính cho biết, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 9 tháng qua bằng 80,2% dự toán, nhưng chi tiêu ngân sách cũng ngày càng tăng cao để phục vụ hoạt động phòng và chống Covid-19.

Với bối cảnh thu, chi ngân sách như hiện nay, tôi cho rằng Chính phủ nói chung và Bộ Tài chính nói riêng đã dành sự nỗ lực hết sức có thể để đồng hành, chia sẻ khó khăn với DN trong điều kiện cho phép của đất nước. Đồng thời, điều này cũng thể hiện quyết tâm, nêu cao tinh thần vượt khó và sự đồng hành giữa Chính phủ với DN và người dân. Tôi tin rằng, những chính sách hỗ trợ trong thời gian qua cũng như thời gian sắp tới sẽ giúp người dân, DN cùng Chính phủ quyết tâm mạnh mẽ trong nêu cao tinh thần vượt khó, nỗ lực ứng phó và thích ứng với tình hình mới; duy trì hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo công ăn việc làm cho người lao động; cùng thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa duy trì và thúc đẩy phát triển các hoạt sản xuất kinh doanh.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ngân sách đã chi 4.360 tỷ đồng hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do Covid-19

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến hết ngày 27/9/2021, 62 địa phương đã thực rút tiền từ KBNN tổng kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) là 4.360 tỷ đồng để hỗ trợ cho 4.768.967 đối tượng người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tổng số tiền thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng Covid-19 ước tính là 26.252 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chi khoảng 2.150 tỷ đồng (bao gồm cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) và 7.456 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội, 16.646 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Với nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, Bộ Tài chính dự kiến ngân sách trung ương sẽ chi khoảng 1.520 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng của năm 2021.

Về tiến độ thực hiện, Bộ Tài chính cho biết đã nhận được văn bản đề nghị của 8 địa phương gồm Bến Tre, Bạc Liêu, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Tây Ninh, Bắc Giang, Hậu Giang và Hải Dương. Tuy nhiên, duy nhất mới có tỉnh Hậu Giang báo cáo theo quy định. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã bổ sung có mục tiêu kinh phí từ ngân sách trung ương cho ngân sách của tỉnh Hậu Giang, với số tiền gần 3,7 tỷ đồng. Còn lại, các địa phương khác chỉ báo cáo nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, song đây chưa phải là kinh phí thực hiện có xác nhận của KBNN.

Vì vậy, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các địa phương khẩn trương báo cáo số tiền thực chi hỗ trợ và số đối tượng được hưởng, cũng như thời gian thực hiện chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ (có xác nhận của KBNN). Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính có thể xác định số kinh phí ngân sách trung ương bổ sung cho ngân sách địa phương theo quy định.