Không giao cho địa phương thực hiện các dự án thành phần
Phát biểu tại phiên họp sáng 10/12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là dự án rất quan trọng, dự kiến nằm trong gói kích thích kinh tế nên phải chỉ đạo thực hiện quyết liệt trên cơ sở nền tảng quy định hiện hành. Để triển khai dự án nhanh, kịp thời, Chủ tịch Quốc hội tán thành với các ý kiến đề xuất giao cho Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư dự án.
Trong đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và kế hoạch đấu thầu, phương thức đầu tư dự án. Ngoài việc hoàn thiện hồ sơ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Giao thông vận tải cần lường hết các ý kiến của các đại biểu, có báo cáo tiếp thu giải trình, thống nhất giữa hồ sơ trình và thẩm tra đối với dự án.
Lưu ý rút kinh nghiệm từ dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh giai đoạn 1 mất nhiều thời gian chuẩn bị, thay đổi từ đấu thầu quốc tế sang đầu tư trong nước, từ 8 gói PPP và 3 gói đầu tư công chuyển sang 3 gói PPP và 8 gói đầu tư công… Những thay đổi này là đã khiến giai đoạn 1 của dự kéo dài, đến gần 4 năm. “Ta cứ nói chậm, vướng pháp luật nhưng không hẳn như vậy. Vướng gì trong Luật Đầu tư công, Luật PPP đã sửa, nhưng thay đổi đấu thầu, đầu tư đã mất 3 - 4 năm, nên đừng để giai đoạn 2 rơi vào trình trạng như vậy" - Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
![]() |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp |
Về những nội dung được nêu trong báo cáo thẩm tra, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cơ bản thống nhất và nhấn mạnh cần làm rõ việc dự án này sẽ giải quyết những hạn chế mà các tuyến quốc lộ song hành, đặc biệt quốc lộ 1 không thể khắc phục được trong thời gian qua. Đối với các tuyến vành đai, trục hướng tâm các đô thị lớn, các trục ngang kết nối các cửa khẩu với cảng biển; các tuyến kết nối với nhà ga, cảng hàng không, các trung tâm logistics..., đây là những yếu tố để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư và hiệu quả khai thác. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ hơn phương án về phạm vi, quy mô đầu tư, giải phòng mặt bằng, tái định cư, hình thức đầu tư, thời gian thực hiện dự án.
Một số ý kiến khác trong UBTVQH băn khoăn về đề nghị của Chính phủ giao cho địa phương có đủ năng lực thực hiện một số đoạn trong địa giới. Theo các ý kiến này, không nên giao dự án cho địa phương, bởi đây là công trình có kỹ thuật cao, năng lực của địa phương không đủ để thực hiện.
Liên quan đến ý kiến cơ quan thẩm tra về quy mô mặt đường là 4 làn xe với mặt đường 17m khó đảm bảo hiệu quả khai thác, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định ý kiến cơ quan thẩm tra là đúng, nhưng làm quy mô 24,75 mét thì sẽ tăng vốn rất lớn và không có khả năng huy động, thời gian hoàn thành cũng rất dài, đến 2025 không thể hoàn thành. Vì thế, Chính phủ cần báo cáo rõ Quốc hội là năng lực như hiện nay thì xin làm quy mô như tờ trình.
Cân nhắc thêm phương án quy mô mặt đường 24,75 m
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, UBTVQH thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, tại kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XV.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ lưu ý một số vấn đề. Đó là nghiên cứu, cân nhắc thêm phương án đầu tư dự án theo quy mô 4 làn xe = 24,75m so với quy mô 4 làn xe = 17m để bảo đảm an toàn, hiệu quả trong quá trình khai thác và mở rộng giai đoạn sau, nhất là đối với đoạn có nền đất yếu như Cần Thơ – Cà Mau; tiếp tục rà soát, tính toán kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư của từng dự án thành phần và phương án thiết kế sơ bộ bảo đảm phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả đúng quy định pháp luật, tránh ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái.
Giao Bộ Giao thông vận tải quản lý, đầu tư dự án, không giao cho địa phương làm chủ đầu tư các dự án thành phần mà chỉ giao kinh phí và việc thực hiện GPMB cho các địa phương. Đây là cơ chế hiện nay đang thực hiện, cơ bản không có vướng mắc, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Về nguồn vốn, UBTVQH thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định việc đầu tư toàn bộ dự án bằng vốn đầu tư công nhưng đề nghị Chính phủ rà soát, điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để ưu tiên vốn của chương trình phục hồi cho các dự án trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn và đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành trong hai năm 2022-2023; đồng thời sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn để bố trí từ nguồn vốn trong kế hoạch trung hạn thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2024-2025.
Về GPMB, UBTVQH thống nhất trình Quốc hội quyết định việc Quốc hội ủy quyền cho UBTVQH xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án trong bước báo cáo nghiên cứu khả thi. Tuy nhiên, UBTVQH đề nghị bổ sung, làm rõ thẩm quyền đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ khoảng 1.532 ha để Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.
UBTVQH đề nghị Chính phủ nghiên cứu hướng tuyến và các điều kiện khác để đảm bảo chi phí đầu tư xây dựng đường cao tốc hợp lý, tiết kiệm trên cơ sở chuyển đổi đất rừng, đất trồng lúa tối ưu nhất. Đồng thời diện tích đất phải thu hồi cho dự án rất lớn, số hộ bị ảnh hưởng nhiều nên việc thu hồi đất, GPMB phải công khai minh bạch, đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất.