kho bạc

Kho bạc Nhà nước đã tăng cường kiểm soát các khoản chi ngân sách. Ảnh: T.T

Đã giảm chi thường xuyên hàng chục nghìn tỷ đồng

Theo Bộ Tài chính, trong 5 năm (2016-2020), dự toán chi thường xuyên cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã được xây dựng trên cơ sở yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, giảm biên chế... giảm chi khoảng 27 - 28 nghìn tỷ đồng. Con số này đã chứng minh, dư địa cắt giảm chi thường xuyên vẫn còn, có thể triệt để tiết kiệm hơn nữa, dành nguồn chi cho đầu tư phát triển, chi cho con người, an sinh xã hội.

Năm 2020, trong bối cảnh khó khăn, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện dự toán chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020. Trong đó yêu cầu chặt chẽ về thời gian phân bổ, nội dung phân bổ và tổ chức thực hiện dự toán, đảm bảo phù hợp với thực tế, triệt để tiết kiệm và phát huy hiệu quả sử dụng kinh phí ngân sách. Trong điều hành đã tăng cường công tác thanh tra tài chính - ngân sách, công tác kiểm soát chi NSNN (từ chối thanh toán gần 52 tỷ đồng do chưa đủ hồ sơ), qua đó phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các sai phạm.

Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, cân đối NSNN khó khăn, Bộ Tài chính đã chủ động trình cấp thẩm quyền cho phép thực hiện những biện pháp, như: yêu cầu tiết kiệm 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020. Đồng thời, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 nhằm chia sẻ khó khăn với nhà nước và người lao động.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu các địa phương chủ động điều hành ngân sách địa phương, trường hợp hụt thu thì phải chủ động sử dụng dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính, tăng thu, tiết kiệm chi và các nguồn hợp pháp khác và cắt giảm các nhiệm vụ chi theo quy định của Luật NSNN. Tổng số kinh phí đã cắt giảm, tiết kiệm được của ngân sách trung ương là 49,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,6% dự toán Quốc hội giao.

Nhờ chủ động trong điều hành, chi NSNN năm 2020 đã hoàn thành mục tiêu đề ra, với tổng số chi ngân sách ước khoảng 1.781,4 nghìn tỷ đồng, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Điều đáng nói đó là cơ cấu chi tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển năm 2020 đạt trên 29% (mục tiêu là 25-26%), chi thường xuyên khoảng 63,1% tổng chi NSNN (mục tiêu là dưới 64%).

Còn dư địa cắt giảm tiếp chi thường xuyên

Bộ Tài chính đã xác định, một trong những giải pháp quan trọng trong cân đối thu - chi ngân sách là tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, từ đó giảm áp lực cân đối thu - chi NSNN.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, đây cũng là một nguyên tắc được quy định trong Luật NSNN phải áp dụng triệt để, đó là: “Khi thu không đạt dự toán, thì phải điều chỉnh giảm một số khoản chi”.

Theo Bộ trưởng, những năm qua, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN và tài sản công đã giúp tỷ trọng chi thường xuyên giảm dần trong tổng chi ngân sách. Tỷ trọng chi thường xuyên đã giảm từ mức 64,9% tổng chi NSNN năm 2017 xuống dưới 64% năm 2020 (ước 63,4%) theo đúng mục tiêu Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội, giảm mạnh so với thời điểm cuối nhiệm kỳ trước là 67,7% năm 2015.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù chi thường xuyên giảm mạnh qua các năm nhưng nhiều vấn đề tồn tại trong chi thường xuyên vẫn chưa được khắc phục triệt để, đó là: tình trạng mua sắm, sử dụng tài sản công chưa đúng quy định; nhiều lễ hội, hội nghị, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành có tính chất hình thức, gây lãng phí ngân sách… Đặc biệt, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế thời gian qua đã được thực hiện quyết liệt nhưng thực tế chi phí cho con người vẫn chiếm tới trên 70% chi thường xuyên, cho thấy nhiệm vụ này vẫn còn phải thực hiện với quyết tâm cao hơn nữa.

Đối với năm 2020, với những yêu cầu chi phát sinh do dịch bệnh lớn, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất, trình Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện cắt giảm mạnh chi thường xuyên. Trong đó, cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí (trừ một số đối tượng cụ thể) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên chưa cấp thiết còn lại năm 2020. Đồng thời, để chia sẻ khó khăn với Nhà nước, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội lùi thời hạn tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang nhân dân.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo hệ thống Kho bạc Nhà nước tăng cường công tác kiểm soát chi ngân sách, kiên quyết từ chối thanh toán các khoản chi không đủ điều kiện; những khoản chi thường xuyên đã được giao trong dự toán đầu năm, nhưng chậm phân bổ hoặc không phân bổ không đúng nhiệm vụ dự toán bị cắt giảm…

Theo các chuyên gia, những khó khăn do đại dịch Covid-19 mang lại là thách thức vô cùng lớn, song cũng là bài học kinh nghiệm quý báu của chúng ta trong điều hành chính sách tài khóa, điều hành cân đối NSNN. Những giải pháp mà chúng ta đang thực hiện sẽ là bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác giảm chi, nhất là giảm chi thường xuyên, tiết kiệm ngân sách nhằm tạo dư địa cho chính sách tài khóa cho việc thực hiện các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, an sinh xã hội.

Ông Trần Quang Chiểu- Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trong chi thường xuyên đã cơ cấu lại một số khoản chi đảm bảo hợp lý, tiết kiệm, cắt giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết, tiết giảm mạnh chi NSNN các đoàn ra; không bố trí mua sắm trang thiết bị đắt tiền; giảm mạnh chi khánh tiết, lễ hội; sắp xếp lại tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, đẩy mạnh giao quyền tự chủ trong lĩnh vực sự nghiệp công. Quốc hội cũng đã tăng cường giám sát việc công khai chi tiêu ngân sách, góp phần chi tiêu công ngày một hiệu quả hơn.

Theo ông Võ Thành Hưng- Vụ trưởng Vụ NSNN, Bộ Tài chính, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đề xuất thực hiện các giải pháp mạnh mẽ hơn như: Rà soát, sửa đổi, bổ sung chế độ định mức chi tiêu ngân sách; quản lý chặt chẽ chi NSNN, đảm bảo chỉ được chi khi có dự toán được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, thanh tra. Đồng thời, xử lý nghiêm các sai phạm về quản lý tài chính ngân sách và quản lý tài sản của nhà nước; thu hồi đầy đủ vào NSNN đối với các khoản chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi…/.

Năm 2021 chi thường xuyên giảm 60 nghìn tỷ đồng so với năm 2020

Được biết, trong năm 2021, áp lực việc siết giảm chi tiêu ngày càng lớn, khi dự toán chi thường xuyên giảm khoảng 60 nghìn tỷ đồng, trong khi đó, phải tăng nguồn chi cho đầu tư phát triển. Đây là vấn đề rất lớn đặt ra, do đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã đề nghị các địa phương phải đặc biệt lưu ý đến vấn đề này, yêu cầu các đơn vị sử dụng ngân sách siết giảm các khoản chi không cần thiết, tiết kiệm ngay từ khâu dự toán để thực hiện cho được mục tiêu đề ra.

Anh Huy