Văn phòng đại diện TP. Hồ Chí Minh: Nỗ lực góp sức vào sự phát triển của Thời báo Tài chính Việt Nam
Cán bộ, phóng viên, nhân viên Văn phòng đại diện TBTCVN tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: VP TP. HCM

Từ nhân sự đầu tiên

Văn phòng đại diện Thời báo Tài chính Việt Nam (TBTCVN) tại TP. Hồ Chí Minh (Văn phòng TP. Hồ Chí Minh) được thành lập vào ngày 25/8/1993, theo Quyết định 599TC/TCCB của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng là giúp Tổng Biên tập tổ chức in ấn, phát hành báo và tổ chức mạng lưới cộng tác viên của báo tại các tỉnh phía Nam. Văn phòng thời kỳ đầu có tên gọi là Phòng Đại diện TBTCVN tại TP. Hồ Chí Minh, sau đó được nâng cấp lên thành Chi nhánh.

Chia sẻ về những ngày đầu thành lập, ông Văn Tùng - nguyên Trưởng Chi nhánh TBTCVN tại TP. Hồ Chí Minh (giai đoạn 2009 - 2019), cũng là nhân sự đầu tiên của Văn phòng, vui vẻ cho biết, sau hơn 2 tháng có quyết định thành lập, Văn phòng chính thức khai trương đi vào hoạt động từ tháng 11/1993.

Nỗ lực góp sức vào sự phát triển của Thời báo Tài chính Việt Nam
Giao ban đầu tuần tại Văn phòng đại diện TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: VP TP. HCM

Phó Tổng Biên tập Đào Ngọc Hùng được Tổng Biên tập lúc đó là GS.TSKH Tào Hữu Phùng - Thứ trưởng Bộ Tài chính ủy quyền chịu trách nhiệm phát triển Văn phòng TP. Hồ Chí Minh. Nhân sự đầu tiên và duy nhất tại văn phòng lúc đó là ông Văn Tùng. Văn phòng được bố trí một phòng trong trụ sở văn phòng cơ quan đại diện Bộ Tài chính phía Nam, tại số 138 phố Nguyễn Thị Minh Khai.

“Thời gian đầu, công việc kế toán vẫn phải nhờ Văn phòng Bộ làm giúp. Lãnh đạo báo giao cho tôi nhiệm vụ phụ trách hoạt động văn phòng và tuyển thêm người về. Nhân sự sau đó dần tăng thêm người, gồm trị sự, kế toán, phóng viên...” - ông Văn Tùng cho biết.

Đánh giá về hoạt động của Văn phòng, ông Trần Mạnh Phú - nguyên Trưởng Chi nhánh TBTCVN (giai đoạn 1996 - 2006), nhìn nhận một cách khách quan, trong suốt quá trình 30 năm ra đời, Văn phòng TP. Hồ Chí Minh đã đóng góp được nhiều việc cho sự phát triển của TBTCVN.

Đến một tòa soạn báo thu nhỏ

Cuối năm 1995 đầu năm 1996, cả nước bước vào giai đoạn mới phát triển kinh tế. Nhằm bắt kịp xu hướng phát triển này, cộng với việc đón đầu một số nền tảng chuẩn bị ra đời (chẳng hạn như Bộ Tài chính được giao đặt nền tảng cho thị trường chứng khoán) thì cần phải có những công cụ tuyên truyền tốt hơn, kịp thời hơn để đáp ứng. Bối cảnh này dẫn đến sự ra đời của tờ tin Con thoi Thị trường (sau đổi tên thành Tài chính & Thị trường) vào đầu năm 1996.

Ông Trần Khánh Dũng - nguyên Phó trưởng Chi nhánh phụ trách nội dung tờ Con thoi Thị trường (sau này là Tài chính & Thị trường), cho biết: "Chúng tôi đã cố gắng truyền tải nội dung thích hợp với sự phát triển của kinh tế thị trường và sự năng động của nền kinh tế; được bạn đọc ủng hộ". Báo đã đáp ứng được nhu cầu thông tin về kinh tế tài chính tại TP. Hồ Chí Minh và phần nào của cả nước, bởi số lượng phát hành ra Hà Nội chiếm 1/3. Mặc dù là tờ tin nhưng hình thức, thông tin nhanh, đầy đủ chứa đựng như một tờ báo ra hàng ngày.

“Với lực lượng nhân sự có lúc đến 90 người, sau đó rút gọn còn khoảng 30 người, chúng tôi đã hình thành được một bộ máy tòa soạn tinh gọn nhất để có thể ra được tờ tin hàng ngày. Rất vui trong một giai đoạn nhất định, dù không dài (do một số yếu tố), nhưng tờ Tài chính & Thị trường đã làm được. Đó là mang được hơi thở của nền kinh tế, tài chính, cùng sự phát triển kinh tế đất nước vào báo chí ngành Tài chính”- ông Trần Khánh Dũng nói.

Tạo tiếng vang với cách làm báo hiện đại, hiệu quả

Còn nhớ, với thời gian tồn tại chỉ khoảng 2 năm, từ 1996 - 1998, nhưng tờ Tài chính & Thị trường đã đem lại sự ngạc nhiên và nể trọng tại làng báo phía Nam lúc đó. Vào thời điểm đó chỉ có các báo trung ương chuyên về chính trị như Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, các tờ báo đảng của địa phương như: Sài gòn Giải phóng, Hà Nội Mới mới có giấy phép xuất bản hàng ngày.

Các tờ báo của cấp bộ thì chỉ là tuần báo (1 số/tuần); 2 tờ báo lớn của các hội đoàn như Thanh Niên tuần ra 3 số, Tuổi trẻ tuần ra 3 số, Phụ nữ tuần 2 số... Bởi vậy, việc Con thoi Thị trường và sau này là Tài chính & Thị trường xuất bản hàng ngày, hướng tới thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán... đã tạo nên tiếng vang rất lớn.

Ngoài ra, việc in ấn, xuất bản báo lúc đó cũng đi trước cả các tờ báo lớn, cụ thể là đã thực hiện chuyển toàn bộ nội dung in báo đến thẳng nhà in để in bằng đường truyền điện thoại, chứ không cần phải qua bản kẽm. Việc báo làm thành công đã khiến nhiều báo khác học tập và làm theo.

Sau khi tờ Tài chính & Thị trường ngưng xuất bản do nhiều yếu tố, rất nhiều phóng viên từ việc chưa hiểu nhiều về tài chính từ đây tỏa đi khắp nơi và trở thành các cây viết uy tín của nhiều tờ báo trung ương và địa phương. Các chuyên mục sau này trở thành chuyên mục của nhiều tờ báo lớn khác, ví dụ như mục 24h; rồi một loạt đề mục khác trở thành tựa đề của các báo, chương trình truyền hình...

Hiện tại, Văn phòng Đại diện TBTCVN tại TP. Hồ Chí Mình đang được tổ chức xây dựng lại, với 5 nhân sự. Từ cơ chế nhân sự này, lãnh đạo TBTCVN dự kiến bổ sung thêm phóng viên, cộng tác viên cho Văn phòng, với định hướng phát triển Văn phòng TP. Hồ Chí Minh theo chiến lược mới. Đó là đầu tư thiết bị máy móc, trẻ hóa lực lượng cán bộ, phóng viên, nhân viên, cộng tác viên chuyên nghiệp, năng động hơn với thị trường báo chí thời cách mạng công nghệ 4.0, tại địa bàn báo chí sôi động nhất cả nước là TP. Hồ Chí Minh. Nhiều kỳ vọng đang được mở ra với những tin tưởng vào thành công mới.