VHM tăng đột biến

Kết quả kinh doanh của các đại công ty bắt đầu gây ảnh hưởng lên thị trường. Hôm nay VHM phát tín hiệu khi nhà đầu tư cực kỳ hưng phấn mua vào. Cổ phiếu này cũng gần như là “khoản bảo hiểm” cho VN-Index ở những thời khắc nguy hiểm nhất.

Thị trường hôm nay diễn biến không hoàn toàn thuận lợi. Ngay đầu phiên nhiều blue-chips chịu áp lực bán sớm đã quay đầu giảm. Tuy nhịp giảm qua nhanh, nhưng có những mã như GAS biến động tạo đáy -2,8%, VIC -0,84%, MSN -2,77%, VCB -1,02%... cho thấy biến động trên cổ phiếu cũng khá mạnh. Thậm chí buổi chiều thị trường tiếp tục chịu thêm một nhịp giảm nữa do các blue-chips giảm. VN30-Index có lần thứ 3 trong phiên rơi xuống dưới tham chiếu.

Trong suốt những biến động trồi sụt đó, VHM là blue-chips duy nhất giữ giá ổn định. Khi VN-Index lao dốc VHM vẫn tăng trên 3%. Cuối phiên VHM thậm chí còn vượt qua áp lực xả trên 1,3 triệu cổ phiếu để tăng lên cao nhất ngày, trên tham chiếu 5,56%. Trong tổng mức tăng 6,26 điểm của VN-Index hôm nay, VHM đóng góp hơn 5 điểm.

VHM thăng hoa, VN-Index có tuần tăng mạnh nhất 3 tháng
Diễn biến phiên giao dịch VN-Index

Kết quả kinh doanh tích cực có thể là yếu tố hỗ trợ cho VHM hôm nay. Điều này có thể tạo cảm hứng cho các cổ phiếu lớn khác. Hôm nay ngoài VHM, thực ra cũng không có nhiều cổ phiếu lớn tăng giá rõ rệt. BID tăng 4,14%, NVL tăng 1,39%, PNJ tăng 2,36%, KDH tăng 3,03% là những cổ phiếu duy nhất còn lại trong VN30 tăng khá. Trừ BID, không cổ phiếu nào xứng đáng là trụ.

Nhóm VN30 vẫn kết thúc phiên với 16 cổ phiếu giảm giá và 13 cổ phiếu tăng giá. Không còn trụ nào khác đủ mạnh: VNM chỉ tăng 0,11%, CTG tăng 0,64%, VCB tăng 0,1%. Thêm vào là SAB giảm 2,49%, HPG giảm 1,55%, VPB giảm 1,42%, MSN giảm 0,53%...

Phiên hôm nay thị trường cũng chịu tác động nhất định từ các giao dịch lớn của các quỹ khi thực hiện tái cơ cấu danh mục. Do đó biến động giá cũng chưa phải hoàn toàn đáng tin cậy. Chẳng hạn HPG hay TCB, CTG có biến động yếu cuối ngày đã ảnh hưởng nhất định tới VN-Index. Tuy vậy đây có thể là ảnh hưởng cả hai chiều, khi lực mua từ các quỹ cũng là yếu tố hỗ trợ giá cho không ít cổ phiếu.

Bất định cho tuần tới

Chính do cung cầu cổ phiếu có phần không tự nhiên ở đợt ATC nên biến động giá cuối ngày chỉ phản ánh cung cầu tại thời điểm đó. Ví dụ VHM hay HPG, CTG bình thường sẽ không có hàng triệu cổ phiếu được giao dịch trong đợt ATC.

Điều này sẽ dẫn tới câu hỏi lớn là liệu khi các quỹ giao dịch xong, thị trường có còn sôi động như tuần này? Với giá trị giao dịch khớp lệnh trung bình HoSE và HNX đạt gần 27,7 ngàn tỷ đồng/phiên, tuần này có lượng tiền rất lớn tham gia. Trong 4 tuần liền trước đó, giao dịch trung bình lớn nhất không vượt quá ngưỡng 23 ngàn tỷ đồng/phiên.

Sự góp sức từ hoạt động tái cơ cấu danh mục quỹ chiếm bao nhiêu trong mức thanh khoản lớn này là điều khó đoán định. Tuy nhiên việc ước đoán cũng không cần thiết, vì sang tuần thị trường có cơ hội để xác nhận điều đó. Khi các quỹ dừng giao dịch, thị trường sẽ chỉ còn lại dòng tiền mặt thường xuyên.

Điều thị trường chờ đợi là dòng tiền bình thường sẽ đổ vào thị trường nhiều hơn nữa. Nhiều tháng trời nhà đầu tư mong đợi thời khắc VN-Index vượt đỉnh lịch sử, và giờ điều đó đã xảy ra. Đứng trước một cơ hội lớn như vậy, dòng tiền sẽ khó nằm im trong tài khoản.

Tuy nhiên nếu thị trường không sôi động hơn, đó sẽ là một tín hiệu xấu. Mặc dù VN-Index vượt đỉnh nhưng rất nhiều cổ phiếu, đặc biệt nhóm blue-chips, còn kém xa đỉnh. Điều này nghĩa là vẫn còn nhiều người mắc lỗ. Trong khi đó sự sôi động ở các cổ phiếu đầu cơ lại quá hấp dẫn. Blue-chips yếu đi thì VN-Index vượt đỉnh cũng chưa có gì đảm bảo chắc chắn.

VHM thăng hoa, VN-Index có tuần tăng mạnh nhất 3 tháng

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

27.618 tỷ đồng (+13%)

946,2 triệu (+15%)

3.222 tỷ đồng (-18%)

146,3 triệu (-9%)