Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa trình Chính phủ xem xét dừng thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp của Vườn quốc gia Yok Đôn để xây dựng nhà máy thủy điện Đrăng Phốk (Đăk Lăk). Chủ trương này đã được dư luận quan tâm và hoan nghênh.
Trao đổi với PV TBTCO xung quanh đề nghị không lấy rừng xây thủy điện Đrăng Phốk của Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, đề xuất này nhằm ưu tiên bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên cho việc phát triển bền vững hơn.
Theo phân tích của Thứ trưởng Hà Công Tuấn, nếu thủy điện được xây dựng thì 63 ha đất có rừng sẽ chuyển mục đích sử dụng, trong đó 53 ha chuyển đổi vĩnh viễn, 10 ha chuyển đổi tạm thời. Đó là chưa bao gồm nhu cầu sử dụng đất, rừng để xây đường dây tải điện từ nhà máy đến trạm biến áp hòa với hệ thống điện quốc gia.
Việc vận hành nhà máy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh cảnh sống của các loài động vật hoang dã, đặc biệt là voi có thể bỏ đi nơi khác. Việc xây dựng đập, chặn dòng còn làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, nhất là các loài thủy sinh... Thứ trưởng Hà Công Tuấn |
Việc vận hành nhà máy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh cảnh sống của các loài động vật hoang dã, đặc biệt là voi có thể bỏ đi nơi khác. Việc xây dựng đập, chặn dòng còn làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, nhất là các loài thủy sinh.
Đặc biệt, trong quá trình thi công và vận hành nhà máy sẽ tạo thêm áp lực bảo vệ rừng, thậm chí việc dâng nước lòng hồ Đrăng Phốk giúp thuận lợi cho các hoạt động vận chuyển gỗ trái phép bằng đường thủy. Trong khi đó, rừng Tây Nguyên đang bị suy giảm nghiêm trọng, 5 năm qua độ che phủ rừng đã giảm 6%, vùng tiếp giáp với Vườn quốc gia Yok Đôn nhiều khu vực không còn rừng.
Năm 2008 – 2009 tác động biến đổi khí hậu và tình hình khô hạn chưa rõ nét hay căng thẳng như bây giờ, cho việc phát triển thủy điện để đảm bảo cân bằng điện rất nhanh cho đất nước lúc đó đặt ra rất cấp thiết. Thời điểm đó, không chỉ Tây Nguyên mà cả nước có rất nhiều công trình thủy điện được xây dựng nhanh chóng, trong đó có chủ trương xây dựng nhà máy thủy điện Đrăng Phốk (Đăk Lăk).
Ông Tuấn nhấn mạnh thêm, trước đó trên sông Serepok chảy ra Yok Đôn đã xây xựng 2 nhà máy thủy điện là Nhà máy thủy điện 4 và 4A, thậm chí nhà máy thủy điện 4A đã nắn dòng khoảng hơn 2km đi ra 1 dòng mới. Lúc đó, Bộ NN&PTNT cũng đã đồng ý và đề nghị với Thủ tướng xem xét cho xây dựng những thủy điện này. Tuy vậy, đến nay qua nhìn nhận và đánh giá lại, chúng tôi thấy cần phải ưu tiên bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên cho việc phát triển bền vững hơn.
"Qua đánh giá tác động nhiều mặt, chúng tôi đã đề nghị với Thủ tướng chính phủ xem xét nên dừng lại. Bởi vì chúng ta phải chuyển mục đích sử dụng khoảng 63 ha, chưa kể khoảng hơn 20 ha phải tiếp tục sử dụng xây dựng đường tải điện mà chúng ta chỉ có một nhà máy thủy điện công suất không lớn - là nhà máy thủy điện nhỏ dưới 30 KW. Mặc dù nó không ảnh hưởng tới quy hoạch thủy điện quốc gia, nhưng vấn đề ở đây là chúng ta phải giữ được sinh thái của khu rừng tự nhiên vùng Yok Đôn. Tôi tin Chính phủ sẽ sớm xem xét và có kết luận về vấn đề này", ông Tuấn nói.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn: "Năm 2009 Quốc hội chưa có nghị quyết về việc quản lý diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của các loại rừng chặt chẽ như bây giờ, nhưng hện nay, bất kể khu vực nào muốn chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trên 30ha thì phải xin ý kiến Quốc hội. Nếu như đề nghị của Bộ NN&PTNT phải trình trước Quốc hội thì chắc chắn Quốc hội cũng sẽ cân nhắc, xem xét"./.
Trước đó ngày 6/8/2009, Bộ Nông nghiệp đã có văn bản trình Thủ tướng xem xét cho phép tỉnh Đăk Lăk tổ chức lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng của Vườn quốc gia Yok Đôn sang mục đích không phải lâm nghiệp để xây dựng thủy điện Đrăng Phốk. Dự án xây dựng Nhà máy thủy điện Đrăng Phốk được xây dựng theo kiểu đập dâng trên sông Srêpốk (xã Krông Na, Buôn Đôn, Đăk Lăk). Công suất nhà máy dự kiến 26 MW với tổng đầu tư khoảng 850 tỷ đồng, do Công ty Đầu tư xây dựng và ứng dụng công nghệ mới (TECCO) làm chủ đầu tư. |
Khánh Linh