Tốc độ tăng thu ngân sách tương đồng với tăng trưởng GDP

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 15/12/2022, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, vượt 19,8% dự toán, tăng 8,06% so với năm 2021. Về cơ cấu thu NSNN: Thu nội địa ước đạt 1.387,2 nghìn tỷ đồng, tăng 6,6%; thu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đạt khoảng 231,7 nghìn tỷ đồng...

Xét tổng thể, tất cả các lĩnh vực thu lớn đều tăng so với dự toán và so với năm 2021. Tốc độ tăng thu ngân sách cũng khá tương đồng so với tốc độ tăng trưởng GDP.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế năm 2022 ước đạt 8%, vượt xa kỳ vọng đầu năm. Điều này xuất phát từ cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan như: Dịch Covid-19 cơ bản đã được khống chế và nền kinh tế chuyển sang trạng thái bình thường mới trong khoảng 6 tháng cuối năm.

Cùng với đó, các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô hợp lý nên đã giảm được ảnh hưởng xấu của các yếu tố bất ổn về kinh tế - chính trị thế giới và phát huy các lợi thế kinh tế của Việt Nam, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định, thuận lợi…

Chuyển đổi số, chống thất thu, góp phần tăng thu ngân sách

Trong tổng thể kết quả thu nêu trên, không thể phủ nhận những nỗ lực rất lớn của các cơ quan hành thu, từ quản lý thu đến chống thất thu. Điều này có thể thấy được qua việc cơ quan thuế các cấp đã áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ để nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế, nâng cao hiệu quả quản lý thuế đi đôi với cắt giảm thủ tục hành chính thuế để tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi hơn.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Cùng với đó, cơ quan thuế đã tiếp tục đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai trong toàn ngành ứng dụng hỗ trợ kê khai thuế, dịch vụ thuế điện tử theo kiến trúc và công nghệ mới, với nhiều tiện ích, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện khai thuế thuận lợi, chính xác. Đồng thời, Tổng cục Thuế đã chính thức khai trương cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài kê khai và nộp thuế tại Việt Nam; triển khai thành công hóa đơn điện tử trên toàn quốc đúng theo đúng lộ trình quy định, áp dụng thống nhất từ ngày 1/7/2022.

Đặc biệt, cơ quan thuế đã đẩy mạnh ứng dụng kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử để tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế. Đến cuối năm 2022, đã có 99,5% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 98,93% doanh nghiệp đăng ký dịch vụ nộp thuế điện tử; tổng số doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử là 7.938 trên tổng số 8.016 doanh nghiệp hoàn thuế, đạt tỷ lệ 99%.

Ngành Thuế tiếp tục làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra thuế để vừa cảnh báo, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật thuế, vừa chống thất thu thuế kịp thời và hiệu quả. Kết quả, tính đến ngày 15/12/2022, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 64.289 cuộc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 59.530 tỷ đồng, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 13.882 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 2.192 tỷ đồng; giảm lỗ là 43.455 tỷ đồng.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, tăng thu bền vững cho ngân sách

Song song với nhiệm vụ thu, cơ quan thuế, hải quan tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời chính sách. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi. Tính đến ngày 15/12/2022, đã thực hiện miễn, giảm, giãn khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, cơ quan thuế các cấp tổ chức theo dõi, giám sát tình hình nợ thuế để đôn đốc nộp kịp thời vào NSNN. Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, ước tính năm 2022, cơ quan thuế các cấp thu hồi khoảng 296.842 tỷ đồng tiền thuế mà người nộp thuế nộp sau khi đã hết thời hạn nộp thuế, chiếm 20,3% tổng số thu ngành Thuế quản lý năm 2022.

Cải cách, tạo thuận lợi đã đem lại giá trị lớn cho nền kinh tế

Cùng với ngành Thuế, ngành Hải quan cũng đạt nhiều kết quả nổi bật trong công tác thu ngân sách, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đem lại giá trị lớn cho nền kinh tế, phát triển ổn định.

Trong đó, cơ quan hải quan các cấp đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để vừa đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, vừa đảm bảo hiệu quả hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và chống thất thu thuế.

Cụ thể, cơ quan hải quan các cấp đã triển khai có hiệu quả chủ trương hải quan điện tử, hướng đến mục tiêu hải quan số, kết nối thông tin điện tử với cơ quan hải quan các nước. Tính đến nay, 100% các quy trình thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa trên phạm vi toàn quốc với 100% cục hải quan và 100% chi cục hải quan thông qua hệ thống VNACSS/VCIS. Tổng cục Hải quan đã triển khai cổng thanh toán điện tử tại tất cả các cục hải quan; triển khai hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin khai hàng hóa điện tử (e-Manifest) tại các cảng biển...

59.530 tỷ đồng xử lý qua thanh tra, kiểm tra thuế

Ngành Thuế tiếp tục làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra thuế để vừa cảnh báo, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật thuế, vừa chống thất thu thuế kịp thời và hiệu quả. Tính đến ngày 15/12/2022, ngành Thuế đã thực hiện được 64.289 cuộc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 59.530 tỷ đồng, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 13.882 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 2.192 tỷ đồng; giảm lỗ là 43.455 tỷ đồng.

Tổng cục Hải quan đã cung cấp 215/237 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (xấp xỉ 91% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan hải quan thực hiện), trong đó có 209 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%), đặc biệt trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 đang diễn ra căng thẳng.

Ngành Hải quan đã tăng cường áp dụng quản lý rủi ro đối với các hoạt động nghiệp vụ hải quan để đẩy nhanh thời gian thông quan mà vẫn đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hải quan và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan tiếp tục triển khai mở rộng hệ thống seal định vị điện tử GPS phục vụ giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu vận chuyển bằng container, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.