PV: Vừa qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tăng lãi suất điều hành và một trong những kỳ vọng là giữ ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, tỷ giá vẫn có xu hướng tăng sau khi NHNN tăng lãi suất. Vậy theo ông, những yếu tố nào đang gây áp lực lên tỷ giá, ở thời điểm hiện tại?

Việc kiểm soát “chảy máu” USD cần có sự cân nhắc, đánh giá về quy mô
TS. Nguyễn Đức Độ

TS. Nguyễn Đức Độ: Theo những thông tin tôi được biết, trong giai đoạn trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất vào ngày 21/9 vừa qua, đã có nhiều doanh nghiệp kỳ vọng rằng giá USD sẽ giảm trong thời gian tới sau một đợt tăng dài và mạnh. Vì vậy, họ đã trì hoãn nhu cầu mua ngoại tệ.

Tuy nhiên, sau khi FED tăng lãi suất 75 điểm cơ bản, đồng thời tuyên bố sẽ còn tăng mạnh lãi suất hơn nữa để kiềm chế lạm phát, đồng USD đã tăng giá mạnh trên thị trường quốc tế. Nhiều doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng bởi xu thế này. Kỳ vọng USD giảm giá được thay bằng kỳ vọng USD tăng giá. Điều này cộng hưởng với thời hạn thanh toán đến gần, đã dẫn đến việc nhu cầu mua USD bị dồn lại và dẫn đến giá USD trong nước tăng.

Bên cạnh đó, với việc đồng USD đang trong xu hướng tăng giá mạnh, các hoạt động găm giữ USD của các doanh nghiệp xuất khẩu, các nhà đầu tư nước ngoài cũng gia tăng. Nói một cách ngắn gọn, quan điểm điều hành của FED đã thúc đẩy tâm lý đầu cơ USD trên thế giới, cũng như tại Việt Nam và khiến giá USD tăng.

Thực tế những năm gần đây cũng cho thấy, cung cầu USD cho hoạt động thương mại, đầu tư khá cân bằng, thậm chí nguồn cung USD khá dồi dào. Lạm phát tại Việt Nam cũng khá ổn định. Những biến động của tỷ giá VND/USD trong khoảng 5 - 7 năm qua phần nhiều xuất phát từ những dao động của chỉ số USD Index, trong đó có tỷ giá giữa đồng Nhân dân tệ và đồng USD, tức là chủ yếu mang tính đầu cơ, chứ không xuất phát từ những yếu tố mang tính nền tảng.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam   							    Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đồ họa: Văn Chung

PV: Thời gian qua có hiện tượng USD “chảy máu” từ thị trường chính thức sang thị trường tự do và điều này có thể càng làm căng thẳng cán cân ngoại tệ. Theo ông, để tránh hiện tượng “chảy máu” như trên, nên có những giải pháp kiểm soát thị trường ngoại hối như thế nào?

TS. Nguyễn Đức Độ: Theo tôi, trước khi đưa ra các giải pháp, cần xác định quy mô của hiện tượng “chảy máu” ngoại tệ này lớn đến đâu. Nếu quy mô lớn, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô, thì cần có giải pháp kiểm soát. Nhưng nếu đây không phải là hiện tượng phổ biến, việc ban hành các biện pháp kiểm soát có thể không thực sự cần thiết.

Các biện pháp kiểm soát, một mặt đòi hỏi phải tốn chi phí, thậm chí khó khả thi nếu các hoạt động mua bán USD là hợp pháp và chỉ mang tính lách luật. Mặt khác, các quy định kiểm soát việc mua bán ngoại tệ có thể gây phiền hà cho số đông khách hàng có nhu cầu chính đáng.

Ngoài ra, mức chênh lệch giữa giá USD ngân hàng và giá USD “chợ đen” không phải lúc nào cũng hấp dẫn để dẫn đến hiện tượng “chảy máu” ngoại tệ từ ngân hàng ra thị trường phi chính thức. Thông thường, chỉ khi đồng USD tăng giá mạnh như thời gian qua, hoặc khi các hoạt động buôn lậu vàng phát triển thì mới xuất hiện chênh lệch lớn giữa giá USD ngân hàng và thị trường “chợ đen”. Nếu thế, việc ngăn chặn buôn lậu mới là giải pháp gốc rễ.

PV: Được biết, NHNN đang xây dựng thông tư hướng dẫn về chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài. Việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động này có thể có tác động như thế nào trong việc ổn tỷ giá?

TS. Nguyễn Đức Độ: Nói chung, các quy định về chuyển tiền một chiều ra nước ngoài sẽ có tác động hạn chế dòng USD chảy ra khỏi Việt Nam, từ đó hỗ trợ cho sự ổn định của tỷ giá, nhưng có lẽ đó không phải là mục đích chính của việc ban hành thông tư. Theo giải thích của NHNN, mục đích chính của việc ban hành thông tư hướng dẫn về chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài là để thống nhất các quy định hiện có trong một văn bản hợp nhất.

Kinh tế Mỹ nếu suy thoái thì áp lực tỷ giá USD cũng sẽ giảm

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, tỷ giá VND/USD trong những năm gần đây dao động chủ yếu theo diễn biến của chỉ số USD Index. Việc đồng USD tăng giá mạnh thời gian qua mới là yếu tố chính tạo sức ép lên tỷ giá, nhưng nếu kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái thì FED sẽ ngừng tăng lãi suất và đà tăng giá của đồng USD có thể cũng sẽ chững lại, thậm chí đảo chiều. Nếu điều này xảy ra, các hoạt động chốt lời USD tại Việt Nam sẽ khiến giá USD giảm, tức là sức ép lên tỷ giá sẽ đổi chiều.

PV: Vừa qua kinh tế thế giới có dấu hiệu xuất hiện suy thoái. Việc này có nguy cơ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, qua đó có thể ảnh hưởng gián tiếp đến tỷ giá hay không?

TS. Nguyễn Đức Độ: Đúng là hiện nay có nhiều dự đoán rằng kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái vào cuối năm 2022, hoặc trong năm 2023. Trên thực tế, xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 9/2022 cũng đã có dấu hiệu tăng chậm lại, cùng với việc tăng trưởng kinh tế giảm tốc tại Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu tăng chậm lại có lẽ sẽ không tác động nhiều đến tỷ giá. Lý do là khi xuất khẩu tăng chậm lại, thì nhập khẩu cũng tăng chậm theo vì nhiều nguyên vật liệu được nhập khẩu về Việt Nam để phục vụ cho xuất khẩu. Do vậy, mặc dù xuất khẩu có thể tăng chậm lại, nhưng cán cân thương mại vẫn có thể cân bằng, tức là không dẫn đến mất cân đối lớn về cung cầu ngoại tệ.

Tất nhiên, bên cạnh tương quan tăng trưởng kinh tế giữa Mỹ và các nước, cũng như chính sách tiền tệ của FED, còn có những yếu tố khác ảnh hưởng đến xu hướng của đồng USD thời gian tới. Điển hình là xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina, nếu căng thẳng tại Ukraina gia tăng, các nền kinh tế châu Âu sẽ bị ảnh hưởng mạnh. Lúc đó, nhu cầu trú ẩn vào đồng USD sẽ gia tăng và hỗ trợ cho xu hướng tăng giá của đồng tiền này, từ đó tạo áp lực lên tỷ giá VND/USD.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nhiều đồng tiền trên thế giới mất giá so với USD

Từ cuối tháng 9 đến nay, tỷ giá của VND so với USD vẫn tiếp tục đà tăng khá mạnh. Tỷ giá trung tâm do NHNN công bố hôm 21/9 (thời điểm FED tăng lãi suất lần gần đây nhất) ghi nhận 23.301 VND/USD, nhưng đến ngày 6/10, tỷ giá trung tâm đã tăng lên mức 23.417 VND/USD. Theo đó, mức tăng khoảng 0,5%. Tại Vietcombank, tỷ giá ngày 21/9 là 23.515/23.545/23.825 VND/USD (các mức giá mua tiền mặt/mua chuyển khoản/bán ra) và đến ngày 6/10 ghi nhận là 23.705/23.735/24.015 VND/USD, tăng khoảng 0,8%.

Trước đó, trong giai đoạn từ đầu năm đến 20/9, tỷ giá VND so với USD cũng đã mất giá khoảng 4%. Tuy nhiên theo NHNN, tốc độ mất giá như trên của VND vẫn ở mức ít hơn nhiều so với tỷ lệ mất giá của nhiều ngoại tệ khác so với USD.

Cụ thể, cũng trong giai đoạn này, đồng Baht Thái Lan (THB) giảm 11,95%; Yên Nhật Bản (JPY) giảm 25,18%; Won Hàn Quốc (KRW) giảm 17,57%; đồng Peso Philippines (PHP) giảm 13,65%; đồng Kyat của Myanmar (MYR) giảm 9,67%. Đồng Rupiah của Indonesia (INR) cũng giảm giá 7,44%; đồng Nhân dân tệ Trung Quốc (CNY) giảm 10,9%; Đồng tiền chung châu Âu Euro (EUR) giả 13,49%; đồng Bảng Anh (GBP) giảm 20,02%...

Việc các đồng tiền trên thế giới mất giá so với USD chủ yếu do bị tác động bởi động thái tăng lãi suất liên tục của FED trong thời gian qua. Sau lần tăng lãi suất cuối tháng 9, FED đã có 5 lần tăng lãi suất liên tiếp trong năm nay, trong đó có 3 lần liên tiếp FED tăng lãi suất với mức 0,75 điểm phần trăm. Dự kiến đến cuối năm 2022, FED sẽ đưa lãi suất mục tiêu lên trên 4% và tiếp tục duy trì mức lãi suất này đến hết năm 2023.

Theo NHNN, trong quý III/2022, tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu nhiều áp lực do thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ suy thoái gia tăng…