Báo cáo cho thấy, nền kinh tế trên khắp Đông Nam Á đang phục hồi nhanh chóng, cùng với sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực.

Việt Nam cùng với Indonesia, Thái Lan là 3 nền kinh tế kỹ thuật số lớn nhất Đông Nam Á dự kiến cũng sẽ nằm trong số những nền kinh tế phát triển nhanh nhất từ năm 2022 đến năm 2030. Sự gia tăng việc áp dụng kỹ thuật số ở cấp độ tiêu dùng dự kiến là yếu tố thúc đẩy đà tăng trưởng bền vững đến năm 2025.

Việt Nam là một trong 3 nền kinh tế kỹ thuật số lớn nhất Đông Nam Á
Ảnh minh họa

Nghiên cứu của Deloitte được thực hiện với mục đích tìm hiểu sự phát triển của chiến lược phân tích dữ liệu và thương mại kỹ thuật số giữa các công ty hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng tại 3 nền kinh tế số Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.

Báo cáo cho thấy, đầu tư vào phân tích dữ liệu giúp cắt giảm chi phí và hỗ trợ tăng trưởng doanh thu, phần lớn người tham gia khảo sát kỳ vọng tổ chức của họ sẽ gia tăng mức đầu tư vào phân tích dữ liệu.

Năng lực tiếp thị số (digital marketing) được coi là lợi ích hàng đầu của việc tận dụng các kênh thương mại số. Tuy nhiên, nỗ lực sử dụng các kênh thương mại điện tử đang gặp phải một số thách thức, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến xung đột kênh, lo ngại về mất thị phần trên chính những kênh bán hàng do tổ chức quản lý và lỗ hổng trong khả năng hỗ trợ công nghệ thông tin.

Trong báo cáo này, nhóm nghiên cứu của Deloitte tổng kết 3 xu hướng chính tóm tắt các động lực định hình hành trình ngành hàng tiêu dùng đạt được sự trưởng thành về kỹ thuật số.

Đó là xây dựng doanh nghiệp số. Thông qua việc ứng dụng phân tích dữ liệu vào chiến lược thương mại kỹ thuật số, các công ty tiêu dùng tại Đông Nam Á đang tìm cách tận dụng những cơ hội để đáp ứng tốt hơn những mong đợi của khách hàng và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, để đạt được điều này, cần tăng cường các công cụ phân tích thương mại, chẳng hạn như phân tích tiếp thị kỹ thuật số và định giá linh hoạt.

Tiếp theo là nuôi dưỡng văn hóa số. Để thực sự đạt được sự trưởng thành về mặt kỹ thuật số, các công ty tiêu dùng ở Đông Nam Á sẽ cần tập trung vào việc thực hiện những thay đổi có mục đích rõ ràng đối với văn hóa tổ chức của họ. Ngược lại, điều này đòi hỏi phải phát triển tư duy kỹ thuật số của tổ chức, cũng như định hướng rõ ràng từ phía lãnh đạo về việc xây dựng môi trường văn hóa đi từ cấp cao.

Cuối dùng là áp dụng cách tiếp cận đa kênh một cách liền mạch. Báo cáo cho thấy, giảm thiểu được những mối lo ngại về Covid-19 trên khắp Đông Nam Á, người tiêu dùng lại có xu hướng quay lại yêu thích những kênh mua hàng trực tiếp. Do đó, các công ty tiêu dùng cũng cần để tâm vào việc phát triển và áp dụng cách tiếp cận đa kênh mà theo đó, có thể tích hợp trải nghiệm khách hàng một cách liền mạch trên cả kênh trực tuyến và trực tiếp.

Trong số 3 nền kinh tế kỹ thuật số lớn nhất Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất 31% trong khi tốc độ tăng trưởng tại Indonesia và Thái Lan là 21%. Tại Việt Nam, quy mô của nền kinh tế kỹ thuật số được dự báo tăng trưởng từ 23 tỷ USD năm 2022 lên 49 tỷ USD năm 2023 và sẽ chạm mốc 200 tỷ USD vào năm 2030.