TCB, VPB vẫn mạnh
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang gây sốc những ngày qua khi dòng tiền đổ vào quá lớn, giao dịch liên tục xuất hiện các phiên ngàn tỷ đồng. Điều này tạo sức hấp dẫn lớn vì nhà đầu tư không có lợi nhuận ở các mã khác, đã chấp nhận bán đi để nhảy vào ngân hàng. Tuy nhiên cũng không phải mã ngân hàng nào cũng an toàn.
TCB phiên này giao dịch rất xuất sắc sau khi trải qua một nhịp rung lắc. TCB sụt giảm 1,96% so với tham chiếu trước khi phục hồi dần nhờ dòng tiền vào mạnh. Chốt phiên TCB tăng 2,5% so với tham chiếu, tương đương mức đảo chiều trong phiên tới 4,55%. Thanh khoản của TCB giảm nhẹ so với hôm qua nhưng vẫn đạt 1.235 tỷ đồng. Cổ phiếu này đang bứt tốc cực nhanh một cách gấp rút khi mới T+5 giá đã tăng gần 18%.
VPB tăng không mạnh như TCB, chỉ chốt trên tham chiếu 1,98% nhưng lại có đà đi lên rất bền. Cổ phiếu này đã tăng liên tục 9 phiên với biên độ 26,1%. Thậm chí nếu tính về xu hướng thì VPB là mã mạnh nhất nhóm ngân hàng, khi tăng liên tục từ đầu tháng 2 tới nay mà chưa có nhịp điều chỉnh nào quá 5%. Trong hơn 3 tháng qua, VPB đã tăng 106%.
Các cổ phiếu ngân hàng cũng khá mạnh nếu nhìn theo thời gian tháng hoặc vài tuần. Tuy nhiên trong ngắn hạn kể từ đầu tuần này, rủi ro là khá lớn vì nhiều mã không tăng bao nhiêu. Thậm chí xu hướng chính của các cổ phiếu như VCB, BID, TPB còn là giảm. Hôm qua cổ phiếu ngân hàng tăng đồng loạt, hôm nay đa số lại quay đầu giảm ngay. Đáng chú ý là VCB giảm tới 1,88%, CTG giảm 1,04%, HDB giảm 0,86%, BID giảm 1,56%, STB giảm 1,21%...
Ngoài nhóm ngân hàng, blue-chips cơ bản là giảm. Nhóm VN30 chỉ có 7 mã tăng, còn 23 mã giảm. Các mã lớn cũng kéo VN-Index xuống nhiều là VIC, VHM cùng giảm 0,9%, VNM giảm 2,61%, VRE giảm 1,27%, GAS giảm 0,7%...
Trên cả sàn HSX cũng vậy, cứ 1 mã giảm chỉ có 0,44 mã tăng. Không có nhiều mã sàn, nhưng hàng đầu cơ rơi khá sâu như AMD giảm 6,78%, PXT giảm 6,44%, HQC giảm 5,6%, HAI giảm 5%, MHC giảm 4,72%...
Thị trường phụ thuộc quá mức vào cổ ngân hàng
Thị trường điều chỉnh hôm nay không có gì đặc biệt, nếu như không gắn liền với hiện tượng quay đầu của cổ phiếu ngân hàng. Đâu phiên đa số cổ ngân hàng còn tốt, giá tăng, kéo theo VN-Index tăng. Số lớn cổ phiếu khác cũng xanh.
Đến khi lần lượt VCB, BID, CTG, thậm chí có lúc cả TCB, VPB cùng giảm, nhà đầu tư liền bán đổ bán tháo. Số lượng mã giảm giá nhiều áp đảo số tăng trong bối cảnh VN-Index giảm chưa tới 6 điểm cho thấy nhà đầu tư không mấy quan tâm đến chỉ số.
Thực vậy, VN-Index đang được các cổ phiếu ngân hàng nâng đỡ rất nhiều. Vì thế khi cổ ngân hàng còn hỗ trợ, chỉ số sẽ giảm rất ít. Thế nhưng nếu cổ ngân hàng sụt giảm, đó sẽ là hồi còi cảnh báo rằng nhóm dẫn dắt cũng không còn mạnh nữa.
Phiên này cổ phiếu ngân hàng vẫn thu hút được dòng tiền tốt. Chẳng hạn VPB và TCB vẫn giao dịch vượt mốc ngàn tỷ đồng. CTG, STB, MBB là các mã ngân hàng khác thanh khoản khá lớn, những vẫn là giảm so với các phiên trước. Cổ phiếu ngân hàng ngoài hỗ trợ điểm số cũng hỗ trợ thanh khoản rất nhiều cho thị trường. Nếu như ngay cả nhóm hấp dẫn nhất cũng bắt đầu giảm thanh khoản thì tình trạng chung cũng sẽ xấu đi.
Phiên này sàn HSX giao dịch giảm hơn 5% về giá trị nhưng nhóm VN30 giảm khoảng 10%. Nếu không nhờ HPG, TCB, VPB vẫn giao dịch nhiều thì mức giảm còn lớn hơn nữa. Sàn HNX cũng giảm 15% giá trị giao dịch.
Khối ngoại lại có một ngày xả quá nhiều, với hơn 1.100 tỷ đồng riêng sàn HSX. Đây là mức bán ròng cực lớn và phiên xả vượt 1.000 tỷ đồng ròng gần nhất là hôm 14/4 vừa qua. Hai phiên trước, riêng cổ phiếu sàn HSX cũng đã bị bán ròng 1.470 tỷ đồng. Phiên này khối ngoại xả khổng lồ ở VPB với 312 tỷ đồng ròng, ở VNM với 287 tỷ đồng, ở HPG với 229 tỷ đồng và KBC là 101 tỷ đồng.
HSX | HNX | ||
Giá trị Khớp lệnh | Khối lượng Khớp lệnh | Giá trị Khớp lệnh | Khối lượng Khớp lệnh |
18.028 tỷ đồng (-5%) | 672,4 triệu (-2%) | 1.998 tỷ đồng (-18%) | 112 triệu (-3%) |
Khánh Nhi