VN-Index hướng đến vùng đỉnh lịch sử - cơ hội nào cho nhà đầu tư?
Thị trường chứng khoán với tín hiệu kỹ thuật có khả năng vượt đỉnh cùng thanh khoản cao. Ảnh: Duy Dũng

Nền tảng vĩ mô tạo đà tăng bền vững

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nửa đầu năm 2025 đầy biến động do tác động từ bất ổn vĩ mô thế giới, đặc biệt là chính sách thuế đối ứng của Mỹ và xung đột địa chính trị. Tuy nhiên, thị trường đã hồi phục tích cực và vượt vùng 1.340 điểm trước sự kiện thuế quan khi các cải cách về thể chế để hỗ trợ nội lực nền kinh tế đối mặt với những thách thức từ vĩ mô dần được thông qua.

Khẳng định quyết tâm cải cách, nâng tầm thị trường chứng khoán

Tại buổi tiếp và làm việc với đại diện tổ chức FTSE Russell mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính bày tỏ tin tưởng rằng, với sự hợp tác chặt chẽ và tích cực từ FTSE Russell cùng quyết tâm cải cách của Chính phủ Việt Nam, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đáp ứng ngày càng đầy đủ các tiêu chí của một thị trường mới nổi, qua đó sớm được nâng hạng trong thời gian tới. Đây không chỉ là cột mốc quan trọng đối với Việt Nam mà còn là tín hiệu tích cực đối với các nhà đầu tư toàn cầu đang tìm kiếm những điểm đến đầu tư ổn định, tiềm năng và minh bạch trong khu vực châu Á.

Động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán đến từ nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, các giải pháp quyết liệt của Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng như: cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy hành chính, duy trì lãi suất ở mức thấp, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, kích thích tiêu dùng nội địa, cắt giảm thuế...

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng và Giám đốc Viện Đào tạo, nghiên cứu BIDV đánh giá, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 7,52% trong nửa đầu năm 2025 là tích cực với nhiều điểm sáng như các động lực kinh tế tăng trưởng, hồi phục đồng đều, đột phá về thể chế, cách mạng tinh gọn bộ máy... Dựa trên nền tảng này, dự báo cả năm 2025, tăng trưởng GDP kỳ vọng đạt 7,5% - 7,7%, và 9% - 10% trong năm 2026, những mức tăng trưởng ấn tượng không chỉ trong khu vực, mà còn trên toàn thế giới.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS), nhận định, thị trường đã phá vỡ cấu trúc tích lũy của năm 2024 và đang bước vào một xu hướng tăng giá dài hạn. Theo đó, cấu trúc thị trường đã chuyển từ trạng thái đi ngang sang pha tăng trưởng rõ rệt. Bối cảnh hiện tại có nhiều điểm tương đồng với chu kỳ 2019 - 2020 tích lũy dài, xuất hiện một nhịp điều chỉnh mạnh đầu năm, rồi bước vào con sóng tăng dài và bền vững.

Còn ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán VPS đánh giá, năm nay, triển vọng kinh tế vĩ mô hết sức ấn tượng, thị trường chứng khoán với tín hiệu kỹ thuật có khả năng vượt đỉnh cùng thanh khoản cao.

Xây dựng chiến lược trên nguyên tắc linh hoạt

Theo ông Khánh, bước sang nửa cuối năm 2025, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ với nhiều yếu tố hỗ trợ từ cả trong nước lẫn quốc tế. Trên bình diện toàn cầu, những bất ổn từng khiến thị trường tài chính, hàng hóa biến động mạnh như xung đột ở Trung Đông hay căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang dần lắng dịu. Đồng thời, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất vào quý IV/2025 là tín hiệu rất tích cực, không chỉ cho thị trường tài chính toàn cầu, mà còn giúp giảm áp lực lên tỷ giá và mặt bằng lãi suất tại Việt Nam.

Trong nước, 2025 là năm then chốt trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Song song với đó chính sách giảm 2% thuế VAT kéo dài đến hết năm 2026 tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa, giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp. Ngoài ra, việc điều chỉnh đơn vị hành chính cấp xã từ ngày 1/7/2025 không chỉ mang ý nghĩa về mặt hành chính, mà còn góp phần cải thiện hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư tại địa phương, yếu tố thiết yếu trong thúc đẩy tăng trưởng thực chất.

Còn theo ông Nguyễn Minh Hoàng, ở giai đoạn tăng, nhịp điều chỉnh thường diễn ra nhanh và phục hồi cũng rất nhanh. Thị trường sẽ đánh mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn ở giai đoạn đầu, kéo theo điểm số. Khi dòng tiền dồi dào hơn, sự lan tỏa sẽ diễn ra trên diện rộng, tạo ra các nhịp bùng nổ ở nhiều nhóm ngành.

Đại diện VFS cho biết, một nhịp điều chỉnh hoặc phân hóa có thể xuất hiện khi thanh khoản thị trường tiến sát mốc 40.000 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên, đây là cơ hội hay rủi ro, sẽ phụ thuộc vào góc nhìn của nhà đầu tư. Trong một chu kỳ tăng giá, những nhịp điều chỉnh là cần thiết để đưa định giá về mức hợp lý, chuẩn bị cho pha tăng tiếp theo.

Trong khi đó, ông Lê Đức Khánh cho rằng, trong bối cảnh thị trường đang có nhiều yếu tố thuận lợi, chiến lược đầu tư trong những tháng cuối năm 2025 cần được xây dựng trên nguyên tắc linh hoạt và kết hợp giữa đầu tư giá trị và tăng trưởng. Đối với nhà đầu tư dài hạn, nên ưu tiên tích lũy các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, định giá vẫn còn thấp so với tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Đặc biệt là ở các ngành được hỗ trợ bởi chính sách vĩ mô như hạ tầng, tài chính, công nghệ, và tiêu dùng. Đồng thời, nhà đầu tư cũng cần sẵn sàng cơ cấu danh mục khi thị trường có các nhịp tăng mạnh nhằm tối ưu hóa tỷ trọng và kiểm soát rủi ro./.