VHM giảm mạnh

Điều chỉnh rõ nhất hôm nay là VHM đồng thời cũng là cổ phiếu duy nhất trong rổ VN30 giảm trên 1%. Theo đó, VHM đã "bốc hơi" 1,38% và giảm tổng cộng 2,47% chỉ sau 2 phiên.

Mức giảm này cũng không quá đặc biệt, nhưng trong bối cảnh tất cả các blue-chips còn lại giảm nhẹ, VHM nổi lên như cổ phiếu “tội đồ” của VN-Index. Đặc biệt VHM gây ảnh hưởng cho chỉ số ở thời điểm lẽ ra VN-Index có thể tăng.

Chỉ số điều chỉnh khá lâu trong phiên chiều nay và đến trước khi bước vào đợt ATC, VN-Index đã giảm 2,45 điểm. Nhiều cổ phiếu dẫn đến đợt trượt giảm này, trong đó có cả VIC, VCB chứ không riêng gì VHM. Tuy nhiên đến cuối phiên, cả VIC lẫn VCB đều được kéo giá hồi trở lại, trong khi riêng VHM lại tụt sâu hơn.

Rổ blue-chips VN30 cuối phiên cũng chỉ có 11 cổ phiếu tăng và 15 cổ phiếu giảm. Diễn biến giảm giá là bình thường và đã xuất hiện từ 2 ngày trước. Áp lực chốt lời ngắn hạn vẫn xuất hiện và điểm tích cực là đà giảm giá chậm. Hôm nay ngoài VHM, 3 mã giảm sâu nhất kế tiếp là ACB giảm 0,92%, BID giảm 0,88% và MSN giảm 0,7%.

Thị trường tiếp tục đi ngang, thanh khoản phục hồi mạnh
Diễn biến phiên giao dịch VN-Index

Dưới lực bán ngắn hạn, các cổ phiếu blue-chips chỉ duy trì được độ phân hóa giá yếu. Không có nhóm ngành thực sự nào nổi bật. Cổ phiếu ngân hàng hôm nay có HDB, STB, TCB, VPB vẫn tăng, nhưng VCB, TPB, MBB, CTG, ACB, BID giảm. Nhóm Vin có cả VIC lẫn VHM giảm, nhưng VRE tăng 0,99%.

Điểm sáng là ngoài rổ VN30, thị trường dường như không lo lắng nhiều trước tình trạng giằng co của VN-Index hiện tại. Giao dịch vẫn khá sôi động ở các nhóm cổ phiếu còn lại. Thậm chí 15 cổ phiếu ở HoSE vẫn còn kịch trần, 18 mã khác trên sàn HNX cũng tăng hết biên độ. Tính chung cả hai sàn thì số lượng cổ phiếu tăng giá vẫn nhiều gấp đôi số cổ phiếu giảm giá.

Nhà đầu tư vẫn có cơ hội lợi nhuận ở hàng loạt cổ phiếu, thậm chí khối lượng giao dịch lên tới hàng triệu như DLG, TDH, HAR, KHG, APG, VIP, LIG, BII, PVL... Thanh khoản trong rổ smallcap sàn HoSE hôm nay đạt khoảng 3.444 tỷ đồng, chiếm khoảng 16,6% giá trị cả sàn này.

Dòng tiền mạnh dần

Nhìn vào VN-Index thì chỉ số này đã bước sang phiên điều chỉnh thứ hai liên tiếp với biên độ chưa tới 3 điểm hay 0,21%. VN30 điều chỉnh sang phiên thứ 3 với biên độ 0,46%. Mức điều chỉnh như vậy vẫn chỉ nằm trong giới hạn dao động hàng ngày thông thường.

Điều cản trở thị trường hiện tại là trạng thái giằng co trong nhóm blue-chips lớn. Những kỳ vọng cao về kết quả kinh doanh quý 3 đang nhạt dần và tình trạng lưỡng lự xuất hiện. Nhà đầu tư mua vào ngập ngừng chờ đợi, trong khi người muốn chốt lời cũng có lý do để giảm tỷ trọng.

Điểm tích cực trong tình trạng đi ngang khá chán nản này là thanh khoản có tín hiệu tăng lên. Hôm nay sàn HoSE đạt mức giao dịch cao nhất kể từ đầu tuần, đạt 20.690 tỷ đồng, tăng 18% so với phiên trước. Như vậy kể từ đầu tuần, sàn HoSE đã có 3/4 phiên giao dịch vượt ngưỡng 20 ngàn tỷ đồng. Nếu tính chung mức khớp lệnh trên HoSE và HNX, trung bình từ đầu tuần, mỗi ngày giá trị đạt hơn 22 ngàn tỷ đồng, tăng so với mức trung bình 20,7 ngàn tỷ đồng tuần trước.

Thị trường đi ngang, về lý thuyết là ít có lợi nhuận trong ngắn hạn, đồng thời xu hướng không rõ ràng. Tuy vậy thanh khoản tăng dần là một tín hiệu tích cực vì ít nhất, lực chốt lời cũng đang được dòng tiền hấp thụ. VN-Index gặp khó khăn chủ yếu do cổ phiếu vốn hóa siêu lớn đang chững lại. Nếu các cổ phiếu này thoát khỏi áp lực bán và quay lại đà tăng, chỉ số sẽ có tiến triển rõ ràng hơn.

Một yếu tố nữa cũng khiến nhà đầu tư không lo lắng nhiều, là hiện tượng phân hóa do kết quả kinh doanh quý 3 vẫn đang tạo cơ hội giao dịch ngắn hạn ở nhiều cổ phiếu. Với số lượng mã tăng nhiều hơn mã giảm, nghĩa là cơ hội để nhà đầu tư chọn đúng cổ phiếu tăng giá cũng nhiều hơn rủi ro “nhặt” phải cổ phiếu giảm giá.

Thị trường tiếp tục đi ngang, thanh khoản phục hồi mạnh

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

20.690 tỷ đồng (+18%)

690,2 triệu (+14%)

2.388 tỷ đồng (+27%)

104,3 triệu (+15%)