Đây là khẳng định của Quốc vụ khanh phụ trách An ninh năng lượng và trung hòa carbon của Vương quốc Anh Graham Stuart đang có chuyến thăm đến Việt Nam từ ngày 31/7 đến ngày 3/8. Chuyến thăm nhằm tăng cường hỗ trợ của Vương quốc Anh đối với quá trình chuyển dịch năng lượng sạch của Việt Nam.

Vương quốc Anh sẵn sàng hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng sạch của Việt Nam
Quốc vụ khanh Graham Stuart (hàng 2, bên trái ảnh) chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Crossrail International và Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội.

Quốc vụ khanh tái khẳng định, việc Vương quốc Anh sẵn sàng tiếp tục cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn, quan hệ đối tác và thiết lập chương trình chuyển dịch năng lượng và biến đổi khí hậu cho Việt Nam. Trong đó có thể kể đến Vương quốc Anh là một trong những đại diện của nhóm đối tác quốc tế hỗ trợ Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) tại Việt Nam.

Trong thời gian diễn ra chuyến thăm Việt Nam, Quốc vụ khanh Graham Stuart sẽ gặp gỡ đại diện của Chính phủ Việt Nam ở cấp trung ương và địa phương để thúc đẩy hợp tác về phát thải ròng bằng 0.

Ông Graham Stuart sẽ tới thăm các nhà máy Điện mặt trời Mũi Né và Điện gió Mũi Né ở tỉnh Bình Thuận, bao gồm một dự án 80MW năng lượng tái tạo do doanh nghiệp Anh đầu tư. Ông cũng sẽ lắng nghe ý kiến của các nhà phát triển dự án, nhà đầu tư và lãnh đạo địa phương về bối cảnh phát triển dự án xanh hiện nay ở Việt Nam, cũng như cách để dỡ bỏ những rào cản phát triển của lĩnh vực này.

Quốc vụ khanh Graham Stuart đã chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Crossrail International và Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội về chuyển đổi số, đồng thời sẽ tham dự lễ khởi động giai đoạn II của Chương trình thúc đẩy tài chính khí hậu (Climate Finance Accelerator - CFA) tại Việt Nam.

Ông Graham Stuart cho biết: “Những thành tựu gần đây của Việt Nam trong việc xác định các mục tiêu khí hậu mạnh mẽ và có thể định lượng được là rất đáng ngưỡng mộ. Tôi hy vọng sẽ được chứng kiến những nỗ lực hợp tác của chúng ta trong công tác thúc đẩy chuyển dịch sang phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam. Vương quốc Anh sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam triển khai hành động nhanh chóng và có quy mô nhằm đạt được mức phát thải đỉnh vào năm 2035 và các mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.

Chương trình Thúc đẩy tài chính khí hậu (CFA) là một chương trình hỗ trợ kỹ thuật trị giá khoảng 12 triệu bảng Anh được tài trợ bởi Tổ chức Tài chính khí hậu quốc tế (ICF), thông qua Bộ An ninh năng lượng và trung hòa carbon của Chính phủ Vương quốc Anh. CFA là một phần trong nỗ lực của Vương quốc Anh nhằm hỗ trợ hành động vì khí hậu trên quy mô lớn bằng cách cung cấp các phương án thiết thực, hỗ trợ chính phủ ở các quốc gia có thu nhập trung bình thực hiện các cam kết về khí hậu theo Thỏa thuận Paris.