Trương Anh Dũng

Phó Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng phát biểu tại hội thảo.

Điều này đặt ra vấn đề cần phải tăng cường hơn nữa nguồn lực để Việt Nam có thể giành những thứ hạng cao trong các kỳ thi tay nghề để gia tăng năng lực tay nghề của lao động Việt Nam, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thi tay nghề khu vực và quốc tế đạt thành tích cao

Để khắc phục những khó khăn, tổng kết đúc rút những kinh nghiệm quý trong việc thực hiện kỳ thi tay nghề khu vực và quốc tế cho Việt Nam, sáng 25/10, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - LĐTBXH) đã tổ chức hội thảo "Bài học đào tạo nghề và huấn luyện thí sinh".

Ông Trương Anh Dũng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết, nhiều năm qua, Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện giáo dục nghề nghiệp. Vấn đề không chỉ nằm ở tư tưởng, nhận thức sai lầm của xã hội mà còn xuất phát từ việc ban hành chính sách. Mặc dù vậy, hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt các kỳ thi tay nghề ở khu vực và quốc tế của Việt Nam cũng bước đầu đã đạt được những thành tựu.

Liên tục nhiều năm liền Việt Nam nằm trong top đầu trong cuộc thi nghề ở khu vực, trong đó có 3 năm 2004, 2006, 2014 Việt Nam là quốc gia xếp thứ nhất trong kỳ thi tay nghề ASEAN. 8 năm trở lại đây, Việt Nam cũng đã giành huy chương khi tham gia kỳ thi tay nghề thế giới. Lần gần đây nhất trong kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 tại Nga, Việt Nam đạt 1 huy chương bạc và 8 chứng chỉ nghề, xếp thứ 22/63 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.

thi tay nghề
Toàn cảnh hội thảo

“Thành tựu là vậy, nhưng công tác tổ chức kỳ thi tay nghề từ trong nước tới khu vực và quốc tế của chúng ta còn quá nhiều khó khăn. Đầu tiên khó khăn về tài chính, cả chục năm nay nguồn lực tài chính hỗ trợ cho kỳ thi tay nghề không thay đổi. Thêm vào đó, sự vào cuộc, liên kết của doanh nghiệp còn hạn chế, chỉ một số doanh nghiệp lớn của nước ngoài như SamSung (Hàn Quốc), DenSo (Nhật Bản)... tham gia huấn luyện cùng” - ông Dũng nói.

Cần tăng lực huấn luyện thi tay nghề

Ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, để chuẩn bị nhân lực, từ lâu Việt Nam đã xây dựng được kỳ thi tay nghề cơ sở và tay nghề quốc gia nhằm chọn lựa những thí sinh giỏi tay nghề đào tạo, huấn luyện cho kỳ thi tay nghề khu vực và thế giới.

“Hiện nay công tác chuẩn bị huấn luyện cho đội tuyển thi tay nghề khu vực và thế giới được chuẩn bị khá tốt. Chúng ta có cả ban tổ chức kỳ thi tay nghề và các tiểu ban hỗ trợ để huấn luyện thí sinh tham gia kỳ thi tay nghề trong một thời gian dài. Tuy nhiên, nguồn lực về máy móc, tài chính, chuyên gia huấn luyện còn khá hạn chế” - ông Trường nói.

Ông Dương Đức Lân – Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp – nguyên Trưởng đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi tay nghề thế giới qua nhiều năm cho rằng, ngoài việc thay đổi chính sách từ việc phân bổ cơ chế tài chính, nâng tiền hỗ trợ đầu tư mua máy móc, đầu tư huấn luyện,... thì một kinnh nghiệm quý mà ông rút ra qua nhiều năm làm việc đó chính là cần tăng cường xã hội hóa công tác huấn luyện, chuẩn bị thi tay nghề.

“Với mức thay đổi giá cả, mức chi thi tay nghề vẫn thế, cả chục năm không thay đổi lấy đâu ra nguồn lực để thi tay nghề. Cần phải có văn bản pháp quy, quy định rõ về vấn đề này. Vì không có nguồn lực, không có quy trình nên cứ định kỳ đến hẹn lại lên ta mới cuống cuồng chạy đua, kêu gọi bên này bên kia hỗ trợ” – ông Lân viện dẫn.

Ông Lân cho rằng để chuẩn bị cho thi tay nghề tốt hơn từ ở khu vực tới quốc tế, chúng ta cần có sự chuẩn bị từ cấp trường, nhìn xa hơn cần phải thay đổi hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể cần giáo dục thực chất, phát huy sự sáng tạo từ học sinh, tăng cường nhiều hơn nữa các cuộc thi tay nghề từ cấp trường để phát hiện tài năng đào tạo, huấn luyện các em tham gia kỳ thi cao hơn.

“Tuy nhiên, làm gì thì làm, kinh nghiệm quý báu mà tôi rút ra được sau rất nhiều năm làm trưởng đoàn đưa thí sinh đi dự thi các kỳ thi tay nghề khu vực và quốc tế, đó là muốn thành công, chúng ta phải dựa vào doanh nghiệp, phải liên kết với doanh nghiệp để thực hiện xã hội hóa công tác dạy nghề” – ông Lân nói./.

Bài và ảnh: Minh Nguyệt - Bùi Tư