Xác định tọa độ ưu tiên để phục hồi và bứt phá

PV: Thưa ông, Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa chính thức được ban hành. Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của nghị quyết này?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Hai năm vừa qua, chúng ta đã hết sức nỗ lực để kiểm soát dịch bệnh, đồng thời với giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng. Đây là những nỗ lực rất lớn cả về chính sách và xã hội để duy trì những thành quả đã đạt được, dù có một số chính sách còn khá cứng nhắc, một số vẫn chưa thoát được tư duy, cách làm cũ.

Chương trình phục hồi này đặt ra cũng nhằm tiếp tục những nỗ lực vừa qua. Ngay việc Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường cũng là một nỗ lực theo tư duy “trong tình huống bất thường phải có giải pháp khác thường” để xử lý. Rõ ràng đây là động thái rất tích cực theo hướng tư duy mới này, hai năm vừa qua đã cho chúng ta những bài học về việc cần phải thay đổi, phải ứng phó nhanh khi thế giới đang biến đổi rất nhanh. Trước đây, thắng lợi kiểu cũ đẩy ta đi mãi theo những logic cũ.

Xác định tọa độ ưu tiên để phục hồi và bứt phá
PGS.TS Trần Đình Thiên

Bài học của năm 2020, 2021 chính là ở tư duy này. Cuối năm 2021, chúng ta đã thay đổi hoàn toàn tư duy chống dịch, ít nhất là ở cấp trung ương và điều hành xuống là cả một quá trình. Nỗi sợ hãi trong bộ máy còn nặng, nhưng rõ ràng chúng ta đã hiểu sẽ tổn thất lớn nếu không thay đổi kịp thời.

Từ tình hình thực tiễn đó, Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường, trong đó trọng điểm là thông qua gói chính sách hỗ trợ phục hồi để Chính phủ hành động.

Đây là lúc bất thường nên phải dùng cách khác thường để ứng phó. Tất nhiên có ứng phó được hay không thì phải xem cách khác thường đó có đúng và trúng hay không.

PV: Trước khi gói hỗ trợ này được thông qua cũng đã rất nhiều ý kiến, trong đó có kỳ vọng là quy mô gói này phải đạt con số hỗ trợ lớn hơn, khoảng 800.000 tỷ đồng thì mới đạt hiệu quả phục hồi kinh tế. Vậy ông nghĩ sao tổng mức hỗ trợ được thông qua lần này?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Đúng là đã có rất nhiều ý kiến, đề xuất về gói hỗ trợ này trước khi được thông qua, với nhiều ý kiến kỳ vọng mức hỗ trợ đạt khoảng 800.000 tỷ đồng, tương đương 10% GDP. Lý do là bởi đây là mức trung bình ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có những nước hỗ trợ tài khóa lớn hơn nhiều. Nhất là ở những nước mà Việt Nam đang chia sẻ cơ hội phát triển cùng thì họ đều chi tiêu nhiều hơn 10% GDP cho phục hồi kinh tế. Mức này cũng cho phép ta có điều kiện tận dụng thời cơ, tăng tốc để bứt lên sau đại dịch.

Cơ sở đặt con số 800.000 tỷ đồng cũng là dựa trên yếu tố sức khỏe doanh nghiệp đang yếu, nền tảng vĩ mô của ta thì tương đối tốt, cùng với khả năng điều hành của Chính phủ… nên có thể cho phép tiếp cận một gói hỗ trợ mạnh dạn hơn. Hơn nữa, điều mong muốn ở đây là chúng ta không chỉ tính đến phục hồi mà còn nhấn vào yếu tố phát triển, đó mới là điều quan trọng. Hàm ý của gói chính sách tài khóa, tiền tệ không chỉ là hỗ trợ sự phục hồi, mà quan trọng là chuẩn bị cho các cú bứt phá để phát triển.

Tuy nhiên, có nhiều lo ngại khiến chúng ta e dè với một gói hỗ trợ lớn hơn. Đó là những vấn đề như rủi ro lạm phát, bội chi ngân sách, tỷ giá, vay tiền ở đâu… Mới đây, khi đến dự Hội nghị tổng kết năm 2021 của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã lưu ý rằng hệ thống ngân sách vẫn còn có những rủi ro. Đây là sự cảnh báo rất chính xác, phản ánh nỗi lo ngại thâm hụt ngân sách cao, ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô. Có nhiều nỗi lo ngại mà người làm chính sách phải đương đầu.

Cho nên, con số khoảng 350.000 tỷ đồng mà Quốc hội đã quyết định cũng là một cố gắng lớn trong điều kiện hiện tại. Đặc biệt, trong đó gói chính sách tài khóa chiếm phần lớn, được thiết kế rõ ràng theo từng nhóm về mục tiêu, mục đích, với một quyết tâm thực thi rất cao.

PV: Tới đây, Chính phủ sẽ ban hành các chương trình hành động, hướng dẫn để triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi. Theo ông, đâu là những vấn đề cần lưu ý để các chính sách thực sự phát huy hiệu quả phục hồi như kỳ vọng?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Với chương trình phục hồi, lúc này phải xác định mục tiêu cao nhất là vực dậy thị trường, gồm cả cung và cầu. Thực ra, hơi tiếc là gói phục hồi khó có thể triển khai trước tết. Khoảng thời gian trước dịp tết là thời cơ quan trọng để phục hồi thị trường, đem lại hiệu quả an sinh xã hội rất lớn. Tết là cơ hội lớn để kích cầu nội địa, vực dậy doanh nghiệp trong nước.

Trong hỗ trợ phục hồi, không phải chỉ có hỗ trợ bằng tiền, mà còn ở các chính sách liên quan đến kiểm soát dịch bệnh. Khi phần lớn người dân đã tiêm mũi 2, mũi 3 mà nỗi lo sợ dịch bệnh vẫn còn lớn, vẫn kiểm soát chặt, nên việc mở cửa nền kinh tế chưa thể thông suốt. Điều kiện đủ cho gói phục hồi phát huy tác đụng phải là tốc độ triển khai nhanh và giải tỏa sớm nỗi sợ Covid-19.

Thêm vào đó là xác định được tọa độ ưu tiên để phục hồi và từ đó bứt phá, chứ không phải tính bình quân, rải đều. Chẳng hạn, gói này phải tính đến tập trung bơm vốn cho những doanh nghiệp, những chương trình dự án có thể triển khai nhanh, kéo lao động về tốt hơn, chứ không phải chia nhỏ cho mỗi doanh nghiệp một ít. Khi đã xác định được mục tiêu phát triển trong tương lai thì phải tập trung nguồn lực vào đó, tránh chủ nghĩa chia đều, đó chỉ là sự nhân đạo một nửa. Bởi chính trong chương trình này, chúng ta đã xác định phục hồi phải đi liền phát triển, thì phải xác định tọa độ ưu tiên để tạo nền tảng cho bứt phá tương lai. Đây là lúc nền kinh tế cần được “thay máu”.

Mặc dù xác định thời gian thực hiện trong hai năm, thì chương trình này cũng không là một chương trình sẽ đóng lại sau hai năm. Khi nền kinh tế đã vào đà phục hồi, thì không có nghĩa tinh thần phục hồi và phát triển sẽ đóng lại, mà có thể mở ra dưới dạng chương trình khác, bổ sung, nối tiếp vào.

Trong quá trình thực hiện, chắc chắn dễ có sai sót, rủi ro vì đây là chương trình chưa có tiền lệ, lại phải làm nhanh. Do đó, phải xác định có những rủi ro, tổn thất, hao phí là không tránh khỏi. Tuy nhiên không vì thế bỏ qua cơ chế giám sát, kiểm tra. Song hành với triển khai các giải pháp, Chính phủ và Quốc hội nên thiết kế chương trình giám sát liên tục để giảm thiểu rủi ro.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước khoảng 1 - 1,2% GDP/năm

Ngày 17/1, Văn phòng Quốc hội đã công bố 4 nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường. Trong đó, Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gồm có 8 điều, đưa ra các chính sách hỗ trợ với quy mô, nguồn lực đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng và trúng đối tượng cần hỗ trợ; thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 với lộ trình thích hợp để nâng cao năng lực phòng chống dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về chính sách tài khóa, nghị quyết quy định các chính sách miễn, giảm thuế; tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực y tế, phòng, chống dịch bệnh, an sinh xã hội, lao động, việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động; tăng hạn mức bảo lãnh chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách Xã hội. Cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước khoảng 1 - 1,2% GDP/năm, không vượt quá 240 nghìn tỷ đồng trong 2 năm 2022 và 2023.