Nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2015” từ năm 2007. Đến nay, sau 6 năm thực hiện, dù xăng E5 đã được cung cấp trên thị trường, nhưng hiện chưa được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.

Ngay cả khi các nhà máy chỉ hoạt động 75% công suất thiết kế thì tổng sản lượng ethanol nhiên liệu năm 2013 vẫn có thể phối trộn 6,26 triệu tấn xăng E5, vẫn đảm bảo cung cấp cho nhu cầu xăng của cả nước.
Ông Nguyễn Phú Cường. Ảnh: M.N.

Ông Nguyễn Phú Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công thương), thành viên Ban điều hành dự án thừa nhận, cái khó nhất trong việc thực hiện Đề án không phải ở khâu sản xuất, mà là khâu phân phối, phổ biến xăng sinh học E5 đến người dân.

Theo báo cáo của Ban điều hành, hiện có 6 nhà máy sản xuất nguyên liệu ethanol sinh học đã đi vào hoạt động với công suất thiết kế khoảng 535 triệu lít/năm. Hai nhà máy đang xây dựng và chuẩn bị đi vào hoạt động chính thức với tổng công suất 220 triệu lít/năm. Từ nay đến năm 2015 sẽ có thêm 5 nhà máy nữa đi vào hoạt động.

Với công suất này, ông Cường cho rằng có thể đảm bảo đủ, thậm chí vượt mục tiêu để cung cấp cho thị trường cả nước trong năm 2013.

“Ngay cả khi các nhà máy chỉ hoạt động 75% công suất thiết kế thì tổng sản lượng ethanol nhiên liệu năm 2013 vẫn có thể phối trộn 6,26 triệu tấn xăng E5, vẫn đảm bảo cung cấp cho nhu cầu xăng của cả nước” - ông Cường nói.

Vấn đề hiện nay, theo đại diện Vụ Khoa học công nghệ là việc phân phối xăng E5 đến tay người tiêu dùng, cũng như tuyên truyền để người dân sử dụng xăng E5. Bởi tính đến nay, trên toàn quốc mới có 175 cây xăng E5 thuộc hệ thống của PV Oil, Petec, Sài Gòn Petro trên địa bàn 34 tỉnh, thành phố lớn gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… Nếu so với 13 nghìn cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc thì quả là còn rất khiêm tốn.

Ông Nguyễn Kiên Cường - Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, tốc độ phát triển mạng lưới phân phối chậm là do doanh nghiệp chưa nhận được sự hỗ trợ về mặt chính sách cũng như các ưu đãi khác của nhà nước, dù đầu tư cho việc sản xuất rất lớn.

Theo ông Cường, điều cần làm ngay hiện nay, đó là Chính phủ nên đưa chương trình năng lượng sinh học thành Chương trình mục tiêu quốc gia để kêu gọi sự hưởng ứng của toàn dân.

Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường quảng bá xăng E5 bằng các hoạt động tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng. Các nhà quản lý cũng nên phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học, đưa năng lượng sinh học vào thành hoạt động thường xuyên để người dân hiểu đúng, ủng hộ và tiêu dùng sinh học.

“Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt:

- Giai đoạn 2010: Xây dựng cơ chế chính sách, sản xuất thử nghiệm và đưa vào sử dụng nhiên liệu sinh học với quy mô 100 nghìn tấn E5 và 50 nghìn tấn B5/năm, đáp ứng 0,4% nhu cầu xăng dầu của cả nước.

- Giai đoạn 2011 - 2015: Sản xuất và sử dụng rộng rãi nhiên liệu sinh học, sản lượng ethanol và dầu thực vật đạt 250 nghìn tấn (pha được 5 triệu tấn E5, B5), đáp ứng 1% nhu cầu xăng dầu của cả nước.

- Giai đoạn từ năm 2025: Công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học đạt trình độ tiên tiến. Sản lượng ethanol và dầu thực vật đạt 1,8 triệu tấn, đáp ứng khoảng 5% nhu cầu xăng dầu cả nước.

Nhật Minh