Tại cuộc họp thường kỳ của Văn phòng Chính phủ chiều 5/5, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã trả lời các câu hỏi của phóng viên về các vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu và nguồn lực cho tăng lương, cải cách tiền lương.

Việt Nam cần giành quyền đánh thuế theo mức thuế tối thiểu toàn cầu

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho hay, để chuẩn bị ứng phó với tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD. Trong đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm tổ trưởng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc là tổ phó thường trực.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Ngày 18/4 vừa qua, Bộ Tài chính đã tổ chức hội thảo bàn về các quy tắc của thuế tối thiểu toàn cầu, kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị cho Việt Nam.

Tại cuộc hội thảo này, hai vấn đề chính được đặt ra là Việt Nam có nên chủ động giành quyền đánh thuế tối thiểu, hay là giữ lại các ưu đãi cho doanh nghiệp FDI như trước đây. Khuyến nghị của các tổ chức tư vấn độc lập và của chính các doanh nghiệp chịu tác động đều cho rằng, Việt Nam nên chủ động ban hành mới quy định pháp luật để giành quyền đánh thuế theo mức thuế tối thiểu toàn cầu, như vậy các ưu đãi sẽ thay đổi so với trước đây Việt Nam đã cam kết.

Vào tháng 2/2023, Bộ Tài chính đã thành lập Nhóm giúp việc Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD. Ngày 31/3/2023, Bộ Tài chính đã báo cáo trực tiếp Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về thuế suất tối thiểu toàn cầu, tác động và ảnh hưởng đối với Việt Nam. Tham dự cuộc họp còn có lãnh đạo và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, hiện nay, Bộ Tài chính đang khẩn trương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất triển khai các giải pháp ứng phó cho Việt Nam.

Trong trường hợp đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ các giải pháp của Việt Nam để thu hút đầu tư nước ngoài vẫn là dành các ưu đãi cho nhà đầu tư theo nguyên tắc phù hợp với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu và các cam kết quốc tế khác mà Việt Nam tham gia. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng các giải pháp hỗ trợ tài chính, gồm cả trực tiếp và gián tiếp cho các doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng sau khi Việt Nam giành quyền đánh thuế, thay đổi chính sách ưu đãi.

“Chúng tôi đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ ngành liên quan để cụ thể hóa các chính sách này. Dự kiến có thể có một số chính sách hỗ trợ như là tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực doanh nghiệp hoạt động, hỗ trợ đào tạo nhân lực, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển trên lãnh thổ Việt Nam…”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói và cũng nhấn mạnh các chính sách này sẽ phải phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và cũng vừa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Dự kiến các chính sách này sẽ sớm được Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ ngành liên quan báo cáo Chính phủ và các cơ quan thẩm quyền để chúng ta chủ động trong chính sách, đảm bảo phù hợp điều kiện tài chính của Việt Nam, phù hợp quy tắc thuế mới và định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Xây dựng các chính sách ưu đãi tài chính mới khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu
Cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 5/5.

Bố trí đầy đủ nguồn lực cho tăng lương và cải cách tiền lương

Với câu hỏi về nguồn lực phục vụ chính sách tăng lương tối thiểu sắp tới, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trong đề xuất trước Quốc hội năm 2022 về việc tăng lương, Bộ Tài chính, thừa ủy quyền của Chính phủ, đã khẳng định về việc bố trí đầy đủ nguồn lực cho tăng lương từ 1/7/2023.

Cụ thể, theo tính toán hiện nay, nguồn lực cần thiết dự kiến khoảng hơn 59 nghìn tỷ đồng. Trong đó, bố trí từ dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 là 12 nghìn tỷ đồng, còn lại 47 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu cho cải cách tiền lương (ngân sách địa phương là 27 nghìn tỷ đồng, ngân sách trung ương là 20 nghìn tỷ đồng).

“Chính phủ đã chủ động bố trí đầy đủ nguồn lực phục vụ cho tăng lương và cải cách tiền lương” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nêu rõ.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phổ thông của Việt Nam là 20% về cơ bản đã đảm bảo quy định thuế tối thiểu toàn cầu. Tuy nhiên, do áp dụng ưu đãi thuế suất thấp và được ưu đãi miễn, giảm thuế trong khoảng thời gian nhất định, nên trên thực tế, thuế suất với các dự án đầu tư của doanh nghiệp FDI có ưu đãi có thuế suất thực tế bình quân 6% đến 8% trong thời gian được hưởng ưu đãi.

Theo tính toán, từ nguyên tắc đánh thuế và dữ liệu về thuế theo quyết toán thuế TNDN năm 2022 của các doanh nghiệp thì tại Việt Nam có khoảng 90 tập đoàn có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu nếu áp dụng từ năm 2024. Nếu các quốc gia khác đều áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu từ năm 2024, các quốc gia có công ty mẹ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng 10.000 - 20.000 tỷ đồng.

Hiện nay, các nước nhận vốn đầu tư từ nước ngoài, tương tự như Việt Nam đang nghiên cứu để đưa ra chính sách ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó có việc áp dụng quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) để tránh việc các tập đoàn phải nộp thuế bổ sung về các nước nơi công ty mẹ đóng trụ sở chính. Đồng thời, cũng nghiên cứu một số giải pháp hỗ trợ về tài chính để giữ chân các công ty chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu