Liên kết với các sàn thương mại điện tử để cập nhật dữ liệu

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác thuế năm 2022, triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2023 của Tổng cục Thuế mới đây, bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế), cho biết, thời gian qua, Tổng cục Thuế đã triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh trên nền tảng số, trong đó chú trọng hình thức tuyên truyền theo chủ đề thông qua mở các chuyên mục về pháp luật thuế qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Về hiện đại hóa công tác quản lý thuế, Tổng cục Thuế đã khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) nhằm hỗ trợ các NCCNN đăng ký, kê khai, nộp thuế tại Việt Nam; xây dựng Cổng dữ liệu thông tin TMĐT để tiếp nhận thông tin các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn từ các sàn giao dịch TMĐT, đồng thời thiết kế chức năng khai thuế, nộp thuế trực tuyến trên Cổng dữ liệu thông tin TMĐT, phối hợp các sàn để liên kết với cổng TMĐT trên giao diện của các sàn giao dịch TMĐT.

Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Thế Dương

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, các tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT chỉ cần cung cấp thông tin qua cổng thông tin của Tổng cục Thuế bằng phương thức điện tử, mà không phải cung cấp thông tin cho từng cơ quan thuế theo cách thức thủ công trước đây. "Hiện nay ngành Thuế đã triển khai ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile) hỗ trợ người nộp thuế là cá nhân tra cứu nghĩa vụ và nộp thuế điện tử" - bà Lan Anh nói.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng đã tham mưu Bộ Tài chính thực hiện ký kết thỏa thuận phối hợp công tác với Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước… phục vụ công tác quản lý thuế. Đồng thời, ngành Thuế hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về thuế, đề xuất những nội dung sửa đổi, bổ sung đối với các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành liên quan để đảm bảo căn cứ pháp lý thống nhất và đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý đối với hoạt động TMĐT. Ngoài ra, Tổng cục Thuế xây dựng kế hoạch kiểm tra, đối chiếu thông tin theo chuyên đề quản lý thuế hoạt động TMĐT đối với một số doanh nghiệp trong nước và một số NCCNN không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.

Còn theo ông Nguyễn Bằng Thắng - Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN đi vào hoạt động đã tạo điều kiện thuận lợi cho các NCCNN chủ động thực hiện quyền đăng ký, kê khai, nộp thuế trực tiếp, qua đó tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả kinh doanh trong thời đại kinh tế số.

Chính sách pháp luật đảm bảo phù hợp thông lệ quốc tế

Để tiếp tục quản lý hiệu quả đối với hoạt động TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới, bà Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về thuế để tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chính sách pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng.

Ngành Thuế tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý thuế; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để kết nối, lưu trữ thông tin để hỗ trợ, kết nối với người nộp thuế theo hình thức điện tử; xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với TMĐT; áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý thuế theo rủi ro đối với hoạt động TMĐT (kết hợp cơ sở dữ liệu từ hóa đơn điện tử, TMĐT).

42 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế

Sau gần 9 tháng Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) đi vào hoạt động (từ 21/3/2022 đến nay), đã có 42 NCCNN đăng ký, khai thuế và nộp thuế từ nhiều quốc gia lớn trên thế giới như: Hoa kỳ, Hà Lan, Úc, Hàn Quốc… doanh thu dịch vụ kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam đã kê khai, nộp thuế trên Cổng Thông tin điện tử dành cho NCCNN.

Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch thường xuyên và theo chuyên đề đối với hoạt động TMĐT. Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội có liên quan để trao đổi, kết nối thông tin, phối hợp quản lý và hoàn thiện việc sửa đổi chính sách, pháp luật để tăng cường công tác quản lý TMĐT. Tích cực tham gia đàm phán xây dựng nội dung hiệp định đa phương về phân bổ quyền đánh thuế đối với thu nhập từ kinh tế số.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, cần củng cố về mặt pháp lý để đảm bảo đầy đủ các cơ sở pháp lý thực hiện các biện pháp quản lý. Bởi có rất nhiều sản phẩm diễn ra trong quá trình giao dịch trên nền tảng mạng thì không thuộc vào các sản phẩm hàng hóa mà đã quy định như các hàng hóa thông thường, cho nên phải quy định về mặt luật pháp để đưa những sản phẩm ấy vào đối tượng thu thuế.

Thứ hai, trong giao dịch hàng hóa thông thường thì đối tượng người nộp thuế, người chịu thuế có hiển diện ở tại nơi quản lý thuế, nhưng trên không gian mạng, đặc biệt là xuyên biên giới thì những người nộp thuế không hiển diện ở đây. Cho nên, việc quản lý ở đây không phải quản lý con người tham gia vào giao dịch, mà là quản lý hoạt động kinh tế. Hoạt động kinh tế có diễn ra thì dù ở đâu vẫn phải chịu trách nhiệm nộp thuế. Do vậy cần phải có khuôn khổ pháp lý để thực thi công tác quản lý, đảm bảo sự đồng bộ giữa pháp luật trong nước và đặc biệt đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế.